MoMo và cuộc đua củng cố vị trí siêu ứng dụng

11:16' - 10/09/2022
BNEWS Sự kiện MoMo trở thành ví điện tử đầu tiên tích hợp thanh toán tại chuỗi Starbucks Vietnam một lần nữa đã khiến "kỳ lân Việt" này thu hút sự chú ý của cộng đồng.

Để củng cố vị trí "Siêu ứng dụng", ví điện tử MoMo thời gian qua đã liên tục tung ra thị trường hàng loạt dịch vụ tài chính phục vụ từ những tiện ích thanh toán cơ bản cho khoảng 31 triệu người dùng hiện hữu đến các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường ví điện tử hiện nay, đẩy mạnh mở rộng hệ sinh thái là con đường mà các siêu ứng dụng hướng đến nhằm thống lĩnh thị trường.

 

"Bắt tay" với chuỗi thương hiệu toàn cầu

Ngày 7/9 vừa qua, Starbucks tại Việt Nam đã công bố hợp tác với ví điện tử MoMo. Qua đó "kỳ lân Việt" MoMo là ví điện tử đầu tiên trở thành phương thức thanh toán tại tất cả các cửa hàng Starbucks trên toàn quốc.

Màn "bắt tay" này lẽ ra cũng sẽ trôi qua như nhiều cuộc ký kết hợp tác khác nếu không có cơn bão mạng đầy thú vị về chuyện tình tay ba MoMo - Starbucks - Highlands.

Cụ thể, vào 19h tối ngày 6/9, fanpage chính thức của Ví MoMo và Starbucks Vietnam đồng loạt đăng status đầy ẩn ý. Ví MoMo với trạng thái với nền hồng tím, điểm nhấn là trái tim màu xanh lá cây ở chính giữa - màu thương hiệu của Starbucks, trong khi Starbucks Vietnam cũng đăng bài đăng với nền xanh ngọc, chính giữa là icon trái tim màu hồng - màu thương hiệu của MoMo. 

Vài tiếng sau những dòng trạng thái đầy ẩn ý của Ví MoMo và Starbucks Vietnam, Highlands Coffee đăng tải dòng trạng thái với 1 trái tim tan vỡ. Được biết, trước đó, MoMo mới vừa chỉ hợp tác thanh toán không tiền mặt với Highlands Coffee được một thời gian. Trong khi Highlands và Starbucks lại là đối thủ cạnh tranh.

Câu chuyện càng trở nên rôm rả khi hàng chục fanpage tích xanh của các thương hiệu lớn cũng lao vào bình luận "hóng drama" với những từ ngữ vui nhộn, đưa đẩy câu chuyện xoay quanh những từ khóa hot với giới trẻ hiện nay như "trà xanh", "cắm sừng", "người thứ 3", "người nổi tiếng ly hôn"...

Sự thực thì đây chỉ là sự "cơi nới" của MoMo chứ ví điện tử này không hề "chia tay" với Highlands Coffee. Xu hướng hợp tác giữa các doanh nghiệp ngành hàng dịch vụ và ăn uống với các fintech trong lĩnh vực thanh toán ngày càng phổ biến nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và mang lại trải nghiệm hiện đại hơn cho khách hàng.

Chia sẻ về sự hợp tác với Starbucks, ông Nguyễn Mạnh Tường, Tổng Giám đốc MoMo chia sẻ: "Starbucks Vietnam và MoMo có sự tương đồng, đó là việc tập trung vào trải nghiệm khách hàng, cùng nhau cá nhân hóa trải nghiệm cho người dùng thông qua những tính năng mới. Hợp tác với Starbucks Vietnam giúp MoMo củng cố thêm niềm tin để thực hiện hóa giấc mơ người Việt Nam có thể ra đường "chỉ với một chiếc điện thoại" không phải đắn đo, dù đó là hàng quán nhỏ hay chuỗi thương hiệu toàn cầu".

"Việc hợp tác của MoMo với Starbucks sẽ thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam nhiều hơn nữa. Khách hàng cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc thanh toán, từ tiền mặt, thẻ ngân hàng, thẻ thành viên cho tới ví điện tử", ông Tường nói thêm.

Về phía Starbucks, tình hình kinh doanh của thương hiệu này tại Việt Nam vẫn chưa có mấy ấn tượng. Theo số liệu của Statista, Starbucks chỉ xếp vị trí thứ 7 trong top 10 chuỗi cà phê Việt Nam về số lượng cửa hàng và chỉ chiếm khoảng 2% thị phần cà phê tại Việt Nam.

Thông qua hợp tác với MoMo, Starbucks Vietnam có thể ngay lập tức kết nối với hệ sinh thái hàng chục triệu người dùng của MoMo. Dự kiến trong tương lai gần, hai bên sẽ nghiên cứu, triển khai thêm nhiều dịch vụ, cải tiến tính năng mới, nâng cao trải nghiệm người dùng.

Trước đó, siêu ứng dụng MoMo và nền tảng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á - Gojek - cũng đã công bố hợp tác chiến lược hồi tháng 3/2022. MoMo theo đó là ví điện tử đầu tiên được tích hợp trên ứng dụng Gojek tại Việt Nam. 

"Khi kết hợp nền tảng liên kết hàng trăm nghìn tài xế cùng các cửa hàng ăn uống trên Gojek, MoMo sẽ đem lại lựa chọn và trải nghiệm thanh toán thuận tiện nhất cho người dùng. Đồng thời thông qua hệ sinh thái của Gojek, MoMo sẽ có thể tiếp cận những đối tượng khách hàng mới, đa dạng, góp phần nâng cao trải nghiệm của họ theo đúng triết lý ‘Người dùng hạnh phúc’ (Happy User) mà MoMo đã theo đuổi từ ngày đầu thành lập”, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó Chủ tịch MoMo từng chia sẻ.

Trước Starbucks hay Gojek, MoMo cũng đã có kinh nghiệm hợp tác với nhiều chuỗi cà phê lớn khác như Highland Coffee, The Coffee House, Aha và là đối tác thanh toán của nhiều nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ như Be, BAEMIN, Ahamove. 

Không dừng lại đó, MoMo cũng là ví điện tử nội địa hiếm hoi được các đối tác lớn trên thế giới lựa chọn hợp tác như Apple, Google. Điều này cho thấy, sự công nhận của các đối tác quốc tế về năng lực công nghệ cũng như khả năng đáp ứng của Ví điện tử MoMo.

Sự kết hợp sức mạnh về công nghệ và hệ sinh thái đông đảo của MoMo và các đối tác là những chuỗi thương hiệu toàn cầu được kỳ vọng sẽ cùng nhau nâng cao mức độ sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt của người dân Việt Nam.

Đồng thời mang lại trải nghiệm an toàn, nhanh chóng, thuận tiện cho người dùng Việt, nhất là trong bối cảnh xu hướng thanh toán này đang còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ có dân số trẻ và tỉ lệ sử dụng thiết bị di động và internet cao.

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt

"Nếu làm tử tế thì câu chuyện 30 hay 50 triệu người dùng sẽ chỉ là vấn đề thời gian!", ông Nguyễn Mạnh Tường từng chia sẻ với báo chí khi ví điện tử MoMo cán mốc 20 triệu người dùng vào tháng 9/2020. 

Ra mắt vào năm 2010, từ một dịch vụ nạp tiền, chuyển tiền trên điện thoại “cục gạch”, MoMo đã có bước tiến dài với số lượng người dùng năm 2020 nhảy vọt gấp đôi so với năm trước đó, lên tới 20 triệu người dùng và gấp đến 40 lần so với mốc 500.000 người dùng hồi đầu năm 2015.

Chỉ 2 năm sau dấu mốc ấn tượng ấy, MoMo hiện đã có 31 triệu người dùng với hơn 50.000 đối tác kinh doanh và 140.000 điểm chấp nhận thanh toán, đáp ứng gần như mọi nhu cầu của người dùng trong cuộc sống như chuyển tiền, tài chính, du lịch, giải trí, quyên góp...

Là một trong những ví điện tử đầu tiên được cấp phép thử nghiệm từ năm 2008, đặt nền móng cho thị trường fintech Việt Nam trở nên sôi động và đã có những thành công bước đầu, nhưng MoMo cũng đang phải đối mặt với xu thế cạnh tranh khốc liệt trên thị trường ví điện tử.

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện có khoảng hơn 100 doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng... Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng. Theo đó, có 40 ví điện tử đi vào hoạt động ở thị trường Việt Nam. Nếu so với một số nước trong khu vực thì đây chưa phải con số quá lớn; tại Malaysia có 53 ví điện tử đang hoạt động, tại Indonesia có 48 ví.

Để thống trị mảnh đất nhiều “màu mỡ”, ngoài việc cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư..., gần đây các ví điện tử đua nhau xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng hay liên kết với các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo... để chiếm lĩnh thị trường. 

Không khó để nhận thấy, nền tảng thanh toán ShopeePay đang khai thác tốt lợi thế cạnh tranh khi tích hợp trong Shopee - sàn thương mại điện tử dẫn đầu thị trường hiện nay. ZaloPay, lợi thế chuyển đổi người dùng trực tiếp trong ứng dụng Zalo Chat cũng đem lại lượng lớn khách hàng cho ứng dụng này. ViettelPay với hệ sinh thái viễn thông cho phép chuyển tiền qua số điện thoại. Moca (GrabPay) với hệ sinh thái thuộc siêu ứng dụng Grab...

Trong khi đó, MoMo lại khai thác phân khúc khách hàng đa dạng với hàng loạt các tiện ích tài chính cùng sự kết hợp với các đối tác hàng đầu. Tháng 6 vừa qua, bằng sự hợp tác với Công ty CP Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), lần đầu tiên sản phẩm chứng chỉ quỹ mở được giao dịch ngay trên ví điện tử MoMo. Theo đó, người dùng có thể mở tài khoản, mua, bán chứng chỉ quỹ do DCVFM quản lý ngay trên nền tảng của MoMo với nhiều lựa chọn tùy thuộc khẩu vị đầu tư.

Đây là lần đầu tiên trên thị trường tài chính, sản phẩm chứng chỉ quỹ mở được đưa lên nền tảng siêu ứng dụng để giao dịch. Thêm vào đó, với việc cho phép thanh toán chứng chỉ quỹ trực tiếp bằng nguồn tiền Ví MoMo, nhà đầu tư không phải mở thêm tài khoản ngân hàng hay chịu phí chuyển khoản (nếu có) khi nạp tiền đầu tư, góp phần “bình dân hóa” sản phẩm đầu tư vốn còn xa lạ với nhiều người Việt.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021. Trong cuộc cạnh tranh này, ví điện tử nào càng có nhiều tiện ích phù hợp với khách hàng sẽ càng có lợi thế.

Tập trung vào trải nghiệm của khách hàng, tâm niệm hạnh phúc của khách hàng sẽ là sự lan toả, tạo ra các khách hàng mới, MoMo đặt kế hoạch tiếp cận 50 triệu người dùng trong vài năm tới./.

>>MoMo: Cú đánh cược với tương lai của startup Việt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục