Môn Lịch sử THPT quốc gia 2016: Thí sinh không thể học tủ

14:07' - 04/07/2016
BNEWS Sáng 4/7, các thí sinh tiếp tục thi môn Lịch sử trong ngày thi cuối của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2016.

>>> Đề thi môn Sinh học THPT quốc gia 2016 khó hơn năm trước?

Đề thi môn Lịch sử THPT quốc gia 2016. Ảnh: Đinh Tuấn/BNEWS/TTXVN

Đề thi Lịch sử gồm 4 câu. Trong đó, phần Lịch sử trong nước đề cập đến phong trào cách mạng theo khuynh hướng tư sản và vô sản đầu thế kỷ 20. Một câu khác, bàn về Chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, ảnh hưởng của các chiến dịch này đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Phần lịch sử nước ngoài nói về cuộc cách mạng Khoa học công nghệ của thế kỷ 20.

Theo đánh giá của các giáo viên dạy môn Lịch sử, đề thi năm nay không nặng về kiến thức, có cả câu hỏi mở liên hệ thực tế nên thí sinh không thể học tủ, không được điểm cao nếu không biết liên hệ, tư duy.

Nhận xét về đề thi, cô Hứa Hoa Mai, giáo viên Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Lê Viết Thuật, thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết: Đề thi năm nay phần kiến thức đều bám sát trong sách giáo khoa, trải rộng kiến thức trong suốt chương trình đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức tổng thể chứ không phải một vấn đề, không thể học tủ. Mặt khác, đề thi đi theo hướng phân tích khái quát, khuyến khích thí phát huy được ý kiến cá nhân và có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ.

Cô Hoa Mai đánh giá đề thi hay, phân loại được học sinh. Nếu học sinh học lực trung bình có thể 5 – 6 điểm; khá có thể có 7 - 8 điểm. Tuy nhiên muốn điểm cao, thí sinh phải có khả năng phân tích sự kiện, khái quát, có cách viết, lập luận khoa học.

Thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn thành môn thi Địa lý tại điểm thi trường Đại học Vinh(Nghệ An). Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường Trung học phổ thông Bắc Kạn cho rằng: Đề thi năm nay bám sát chương trình và có sự thay đổi ở phần đọc hiểu, nội dung liên quan vấn đề thời sự mà nhiều người đang quan tâm.

Đề thi khá vừa sức, đánh giá được quá trình học tập, ôn luyện của học sinh, đồng thời phân loại được học sinh. Đề thi khá hay và thú vị, mang hướng mở, khơi gợi được suy nghĩ, trách nhiệm của học sinh, gắn với tình hình thực tế hiện nay.

Cô Trần Thị Ngoan, giáo viên Tổ Địa lý – Lịch sử, Trường trung học phổ thông chuyên Bạc Liêu (thành phố Bạc Liêu) đánh giá: Đề thi Lịch sử năm nay không khó, đúng theo cấu trúc của Bộ theo định hướng ở 3 cấp độ là biết, hiểu và vận dụng.

Đối với các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực trung bình thì có thể đạt từ 5 – 6 điểm, còn những thí sinh xét tuyển đại học, cao đẳng có học lực khá hơn thì có thể đạt 7 – 9 điểm. Câu 1 và 2 của đề thi nếu thí sinh ôn tập kỹ thì việc đạt 5 – 6 điểm là khá dễ dàng.

Hai câu hỏi còn lại là dành cho các thí sinh khá, giỏi. Để làm được hai câu này đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức về lịch sử trong suốt quá trình học.

Do các câu hỏi mở cần phải suy luận, vận dụng nhiều, liên hệ kiến thức lịch sử và hiện tại nên khó để thí sinh có thể đạt điểm tuyệt đối. Những thí sinh rất giỏi mới có thể đạt được từ 9 – 9,5 điểm, cô Trần Thị Ngoan nhận định.

Các thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn thành môn Lịch sử tại tại điểm thi Trường THCS Lê Mao, thành phố Vinh (Nghệ An). Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Theo cô Nguyễn Thị Hà, Tổ trường tổ Sử - Giáo dục công dân trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh: Năm nay, đề thi môn Lịch sử rất hay. Trong cấu trúc đề có nhiều nhiều câu hỏi mở, liên hệ, đánh giá vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh vừa có khả năng phân loại thí sinh.

Câu hỏi phân loại thí sinh được nằm trong hai câu 3 và 4. Đối với những câu hỏi này, thí sinh chỉ có thể vận dụng được một phần kiến thức cơ bản, còn lại phải biết phân tích, tổng hợp.

Riêng câu 4 nội dung đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam “thực hiện chính sách Đại đoàn kết dân tộc” ít được đề cập trong các trường không chuyên nên gây khó khăn với thí sinh những trường này, bởi vậy các em phải vận dụng sự hiểu biết của bản thân.

Cô Hà cũng đưa ra một số kinh nghiệm để có được điểm cao ở đề thi này như: Thí sinh phải chủ động phân loại thời gian làm bài theo quỹ điểm, tránh viết tràn lan, ôm đồm kiến thức dẫn đến không đi trúng trọng tâm.

Đặc biệt, thí sinh cần có khả năng truyền tải thông tin tốt, có những nhận định đúng đắn theo lứa tuổi…/.

>> ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2016 & ĐÁP ÁN các môn sẽ được cập nhật liên tục tại đây

>>> Đề thi môn Sinh học THPT quốc gia 2016 khó hơn năm trước?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục