Đề thi môn Địa lý THPT quốc gia 2016: Không quá khó nhưng có tính phân loại

12:27' - 03/07/2016
BNEWS Sáng nay 3/7, các thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Địa lý kỳ thi THPT quốc gia 2016, nhiều em cho biết đề không quá khó nhưng có tính phân loại.

>>> Đáp án chính thức 8 môn thi THPT quốc gia 2016

Đề thi có đề cập đến vấn đề xâm nhập mặn là vấn đề thời sự được quan tâm hiện nay. Nhiều thí sinh cho biết đã "trúng tủ" với câu 4 về chủ đề này.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm thi Trường Đại học Giao thông Vận tải, còn chừng 30 phút mới hết thời gian làm bài nhưng rất nhiều thí sinh đã hoàn thành bài thi.

Một bạn thí sinh ra sớm trước khi kết thúc thời gian làm bài. Ảnh: BNEWS

Nguyễn Thùy Dương (THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông - Hà Nội) rời phòng thi với khuôn mặt rạng rỡ. Linh cho biết đề không khó đối với em, em làm được hết. "Phần xâm nhập mặn em ôn khá kỹ, ngoài ra em còn lưu tâm đến vấn đề biển Đông, cá chết và ô nhiễm môi trường biển", Linh cho hay.

Một thí sinh khác là em Mỹ Linh, học sinh Trường THPT Cao Bá Quát cho rằng: "Đề năm nay khá sát với chương trình học. Câu 4 là câu mang tính phân loại học sinh, phải bạn nào chăm xem thời sự và đọc báo nhiều mới làm được câu đó. Vì tâm lý hơi căng thẳng nên em còn sai ở một vài chỗ, làm được khoảng 70% câu hỏi". 

Nhiều thí sinh khác dự thi THPT 2016 cũng nhận định đề Địa năm nay khá dễ, dễ dàng được 5 điểm để đỗ tốt nghiệp.

Tại Bắc Kạn, hầu hết các thí sinh và giáo viên đều đánh giá đề thi đều nằm trong chương trình ôn thi trung học phổ thông, khá vừa sức và dễ kiếm điểm.

Đây là đề thi hợp lý cả về kiến thức và kỹ năng, thích hợp để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học.

Cô Vũ Thị Huyền Trang, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Đề thi năm nay khá hay, gắn với nhiều vấn đề kinh tế chính trị-xã hội của đất nước, nội dung kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12.

Đề cũng có sự phân hóa rõ ràng từ dễ đến khó nhưng chưa ở mức cao. Đặc biệt, với đề thi này phù hợp với kiến thức của tất cả các học sinh và học sinh có học lực trung bình cũng có thể đạt được ít nhất là 5 điểm.

Thí sinh Vũ Văn Nam, Cụm thi Trường THPT Nội trú Bắc Kạn cho biết: Phần biểu đồ đã được đề nói rõ nên thí sinh không phải vất vả để suy nghĩ tìm biểu đồ thích hợp. "Đề thi Địa lý năm nay đều bám sát chương trình và không quá khó nên em làm bài tốt. Đề thi có 4 câu, câu cuối cùng có sự liên hệ thực tế nhiều, nếu ôn tập kỹ chương trình và quan tâm đến thời sự thì sẽ làm bài tốt, đề thi Địa lý năm nay em làm được khoảng 90%".

Tại Hà Nam, theo ghi nhận của phóng viên, 2/3 thời gian của buổi thi môn Địa lý, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường Đại học Thương mại cơ sở Hà Nam, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cơ sở Hà Nam đã nộp bài ra sớm. Thí sinh Nguyễn Thị Hồng Thanh (điểm thi Trường Đại học Thương mại cơ sở Hà Nam) cho biết đã chọn Địa lý là môn tự chọn để xét tốt nghiệp.

Đề thi năm nay có khoảng 50% đề là kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, còn lại là những câu liên hệ thực tế.

Với câu II, chỉ cần biết đọc bản đồ là đã dễ dàng đạt trọn 2 điểm, những câu khác cũng có thể dựa vào Atlat tìm câu trả lời, việc hoàn thành những câu liên hệ thực tế với một thí sinh theo khối D như em cũng không khó khăn lắm.

Các thí sinh hoàn thành môn thi Địa lý tại điểm thi trường Đại học Vinh (Nghệ An). Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Thiên về khối C nên đối với em Trịnh Ngọc Sơn (điểm thi Trường Đại học Công nghiệp cơ sở Hà Nam) đề thi Địa lý năm nay không quá khó.

Em Sơn cho biết, phương pháp học của mình là không học thuộc lòng mà hệ thống các kiến thức, đọc nhiều bài báo về các vùng miền khác nhau để có kiến thức thực tế.

Đề thi năm nay có câu hỏi về vấn đề thời sự xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, đa dạng sinh học đã được các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật rất nhiều trong thời gian qua. Với đề thi này, phương pháp học của em đã phát huy hiệu quả và em tự tin mình sẽ giành được 8 - 9 điểm.

Đánh giá về môn Địa lý kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Thơ, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Phủ Lý A, tỉnh Hà Nam cho biết, đề thi địa lý vừa sức với các thí sinh.

Đề thi không đánh đố, có phần vẽ biểu đồ khá dễ; biểu đồ dạng tròn nên thí sinh không mất nhiều thời gian tính toán.

Với đề thi này, thí sinh làm bài đạt mức điểm trên trung bình sẽ chiếm số lượng rất lớn. Để đạt điểm cao môn này cũng không khó, quan trọng thí sinh phải cẩn thận.

Một thí sinh trầm tư khi kết thúc bài thi. Ảnh: BNEWS

Thí sinh rảo bước ra về. Ảnh: BNEWS
Đề thi Địa lý THPT quốc gia 2016. Ảnh: Đinh Tuấn/BNEWS/TTXVN

>>> Đáp án chính thức 8 môn thi THPT quốc gia 2016

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục