Mong chờ “sự thay đổi lớn” sau thượng đỉnh Mỹ - Triều, liệu có quá lạc quan? (Phần 2)

06:30' - 20/06/2018
BNEWS Phần lớn những bình luận về thượng đỉnh Mỹ-Triều đều tập trung vào những tác động của hội nghị đối với tương lai quan hệ Mỹ-Triều, thì có một khía cạnh bị bỏ qua đó là Trung Quốc sẽ nhận được gì?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN


Kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ xem xét để đạt được các mục tiêu sau: Thứ nhất, hội nghị thượng đỉnh, và cả những ngày trước đó, mang lại cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một cơ hội để thể hiện sự lãnh đạo của Trung Quốc trong tiến trình ngoại giao có ý nghĩa đối với tương lai của Bán đảo Triều Tiên.
Bằng cách mời ông Kim Jong-un tiến hành "chuyến thăm không chính thức" tới Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp nhà lãnh đạo "ẩn dật" của Triều Tiên, mà còn tận dụng cơ hội đó để chứng tỏ với dư luận trong nước và quốc tế thấy rằng Trung Quốc không đứng ngoài một sáng kiến ngoại giao quan trọng đang thành hình trong phạm vi ảnh hưởng của họ.
Việc cho phép Mỹ và Triều Tiên đạt được thỏa thuận mà không có sự chấp thuận của Bắc Kinh sẽ không chỉ là một thất bại ngoại giao đối với Trung Quốc, mà là một sự mất mặt lớn đối với chính ông Tập Cận Bình.
Hơn nữa, hội nghị thượng đỉnh này nếu rốt cục không đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào thì điều đó sẽ là một cơ hội vàng để ông Tập nhảy vào môi giới vòng đàm phán về giải trừ hạt nhân do Trung Quốc dẫn đầu, xây dựng hình ảnh tốt về Trung Quốc và giáng một đòn biểu tượng vào vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực.
Thứ hai, trong khi thông báo ban đầu về một cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim khiến nhiều người ngạc nhiên, Bắc Kinh đã nhanh chóng hành động để đảm bảo rằng bất cứ cuộc gặp nào giữa Donald Trump và Kim Jong-un không gây nguy hiểm cho các lợi ích an ninh của Trung Quốc trên Bán đảo Triều Tiên.
Lâu nay, Bán đảo Triều Tiên vẫn được các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc ví như "môi bảo vệ răng" - hay nói cách khác, là một quốc gia đệm chiến lược giữa Trung Quốc và các lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Do đó, bất cứ kết quả nào có thể dẫn tới một Triều Tiên thống nhất theo sắp đặt của Mỹ, hoặc gây bất ổn hơn cho chế độ Triều Tiên, đều trái ngược với lợi ích của Bắc Kinh. Kịch bản ác mộng đối với Bắc Kinh sẽ là phải đối phó với xung đột vũ trang, và tiếp đó là sự sụp đổ của chế độ ngay sát vách.
Như Isaac Stone Fish và Robert E. Kelly chỉ ra, "Bắc Kinh lo sợ sự sụp đổ của Triều Tiên hơn nhiều so với Washington. Trong trường hợp như vậy, hoặc trong trường hợp bất ổn nghiêm trọng, Bắc Kinh có thể sẽ phải đối phó với hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người tị nạn bỏ chạy qua biên giới giữa hai nước.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền không được trang bị để đối phó với một cuộc khủng hoảng người tị nạn: họ thiếu chính sách tái định cư và không phải xử lý dòng người tị nạn ồ ạt kể từ những năm 70 của thế kỷ trước". Ngược lại, bất cứ thỏa thuận nào có thể làm giảm bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và dẫn đến việc cắt giảm lực lượng Mỹ (tại đây) đều là tin vui đối với Bắc Kinh.
Cuối cùng, và quan trọng hơn cả, Bắc Kinh sẽ theo dõi chặt chẽ bất cứ thỏa thuận nào có thể dẫn tới việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với chế độ Triều Tiên, tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng hợp tác kinh tế với Triều Tiên. Bắc Kinh cho rằng việc xóa bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ khuyến khích Bình Nhưỡng thực hiện những cải cách kinh tế theo mô hình Trung Quốc, cho phép Trung Quốc gặt hái những thành quả của hợp tác kinh tế và giúp ổn định chế độ Triều Tiên - một kịch bản cùng thắng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục