Mong sớm ban hành Luật Dinh dưỡng học đường

18:16' - 26/12/2023
BNEWS Nếu như, thừa dinh dưỡng có thể gây ra các bệnh mạn tính, thì thiếu dinh dưỡng lại ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí não và thể chất của trẻ nhỏ.

Việt Nam đang phải đối mặt với cả hai vấn đề thừa - thiếu dinh dưỡng ở trẻ em. Nếu như, thừa dinh dưỡng có thể gây ra các bệnh mạn tính, thì thiếu dinh dưỡng lại ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí não và thể chất của trẻ nhỏ.

Trong khi đó, bữa ăn học đường tại nhiều trường học ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa đảm bảo dinh dưỡng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề dinh dưỡng cho thế hệ tương lai của Việt Nam. 

Dinh dưỡng học đường: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Giải quyết các vấn về liên quan đến bữa ăn học đường trở nên cấp thiết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh, nhà trường, cần sự vào cuộc của toàn xã hội và cần được quan tâm và chỉ đạo của các bộ, ngành để trẻ được phát triển toàn diện trong môi trường học đường lành mạnh.

 

Trước đó, năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng Tập đoàn TH triển khai mô hình điểm “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên”.

Mô hình điểm thực hiện tại 10 trường học thuộc 10 tỉnh thành ở các vùng miền địa lý khác nhau trên cả nước, gồm 5 trường mầm non tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Nam; 5 trường tiểu học tại Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng và An Giang. 

Ngoài sự tập huấn của các chuyên gia dinh dưỡng và thể chất, các trường được chọn thực hiện mô hình điểm cũng đồng thời được trang bị bếp ăn, thiết bị nhà bếp phù hợp cho các bữa ăn tại trường cũng như các mô hình, dụng cụ phục vụ vận động thể lực. 

Điều quan trọng nhất, mô hình đã xây dựng các thực đơn phù hợp cho từng lứa tuổi ở từng vùng địa lý khác nhau, để đảm bảo cân đối chế độ dinh dưỡng, giải bài toán gánh nặng kép về dinh dưỡng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, phòng các bệnh mãn tính không lây, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ.

Sau một năm triển khai thực hiện, mô hình đã đem lại những kết quả vượt trội so với các chỉ tiêu đã đặt ra. Cụ thể, 100% cán bộ quản lý, nhân viên bếp, nhân viên y tế và 94,4% giáo viên được truyền thông hoặc tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn; 97,9% phụ huynh học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hoạt động giáo dục dinh dưỡng và thể chất đã góp phần thay đổi tích cực nhận thức, thói quen ăn uống, vận động thể lực của học sinh. 95,4% phụ huynh học sinh được khảo sát cho biết đã phối hợp với nhà trường trong việc tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ (ít nhất 60 phút/ngày theo khuyến cáo của WHO). 

Theo ông Phạm Thế Quyền - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm Tập đoàn TH, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng TH, mô hình góp phần giải quyết được những vấn đề về dinh dưỡng đang tồn tại ở Việt Nam, gồm suy dinh dưỡng, thừa cân - béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Kết hợp dinh dưỡng hợp lý với tăng cường hoạt động thể chất, mô hình được đánh giá là giải pháp toàn diện mang tính cách mạng về nâng cao tầm vóc người Việt. 

Sau khi kết thúc, các trường học vẫn tiếp tục duy trì công thức dinh dưỡng và thực đơn như trong mô hình điểm, dù không được đầy đủ hoàn toàn, nhưng vẫn đảm bảo đủ chất, hấp dẫn và được các em học sinh yêu thích.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, sự thành công của mô hình là nhờ sự vào cuộc của các chuyên gia và các bộ, ngành liên quan cũng như các thầy cô, cán bộ quản lý ở các địa phương thí điểm; đặc biệt là sự đồng hành rất có tâm vì trách nhiệm cộng đồng của Tập đoàn TH.

Tập đoàn TH đã có nhiều năm đồng hành cùng các bộ, ban, ngành và Chính phủ chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em lứa tuổi vàng. Theo Nhà sáng lập Tập đoàn TH - Anh hùng Lao động Thái Hương, những mục tiêu lớn và những trụ cột chính của chương trình Sức khỏe học đường cũng là những mục tiêu dài hơi mà Tập đoàn TH đã, đang theo đuổi.

Xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường

Các chuyên gia cho rằng, những kết quả đã đạt được từ mô hình điểm Bữa ăn học đường có sự đồng hành của Tập đoàn TH là cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường.

Theo TS Lê Thị Hợp - Nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng, đây là vấn đề rất cần thiết. Nhật Bản là quốc gia đã ban hành và thực hiện Luật Dinh dưỡng học đường từ rất sớm và rất đáng để học hỏi. 

Bà cũng cho biết: “Không hề đơn giản, nhưng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đang có chương trình dự kiến để xây dựng được Luật Dinh dưỡng học đường. Chúng tôi cũng mong muốn sớm có Luật Dinh dưỡng nói chung và Luật Dinh dưỡng học đường để cho con em chúng ta được hưởng lợi từ đó”.

“Khi thực hiện mô hình điểm tại nhiều trường với những điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, chúng ta nhận thấy rõ các yếu tố liên quan khác như chính sách, cơ sở vật chất, con người, kiến thức tập huấn nâng cao năng lực, rồi ngay cả mức thu nữa… Và đó đều là những yếu tố cần thiết để xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường. Một khi Luật được ban hành thì đó chính là lúc chúng ta có được những chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ em” – TS Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng chia sẻ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục