Moody's hạ bậc tín nhiệm 7 ngân hàng Pháp do bất ổn chính trị

12:37' - 19/12/2024
BNEWS Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng Pháp giảm mạnh sau khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của 7 ngân hàng, trong bối cảnh bất ổn chính trị nước này kéo dài.

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng Pháp giảm mạnh sau khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của 7 ngân hàng, trong bối cảnh bất ổn chính trị nước này kéo dài. Trái phiếu chính phủ và thị trường chứng khoán Pháp cũng bị bán tháo, phản ánh tâm lý bi quan của các nhà đầu tư.

 

Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của 7 ngân hàng Pháp vào ngày 18/12, chỉ vài ngày sau khi hạ bậc tín nhiệm của quốc gia này. Động thái trên được đưa ra giữa bối cảnh Pháp đang đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị kéo dài. Động thái này khiến cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Pháp giảm điểm, với BNP Paribas giảm 0,97% và Credit Agricole giảm 0,84% trong phiên này. Chỉ số ngân hàng Euro Stoxx giảm 1,49% vào ngày 17/12, trở thành nhóm ngành lao dốc mạnh nhất trong chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu.

Việc hạ bậc tín nhiệm trên diễn ra sau khi ông Michel Barnier bị phế truất khỏi chức vụ Thủ tướng Pháp liên quan đến kế hoạch ngân sách năm 2025, vốn bị cả phe cực hữu và liên minh cánh tả bác bỏ. Moody’s nhận định: “Tài chính công của Pháp sẽ bị suy yếu đáng kể trong những năm tới, do sự bất ổn chính trị có khả năng cản trở các biện pháp cải cách tài khóa thực chất” và “khả năng Chính phủ kế nhiệm giảm thâm hụt ngân sách một cách bền vững sau năm 2025 là rất thấp”.

Hiện mức thâm hụt ngân sách của Pháp đã lên tới 6,1% GDP vào năm 2024, gấp đôi mức trần 3% của Liên minh châu Âu. Nợ công của nước này chạm mức kỷ lục 3.228 tỷ euro (khoảng 3.350 tỷ USD), tương đương 112% GDP, đứng thứ ba trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sau Hy Lạp và Italy (I-ta-li-a).

Trước đó vào tháng 5/2024, S&P Global Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Pháp từ AA xuống AA-, dự báo mức thâm hụt 3% GDP kéo dài đến năm 2027. Đến ngày 14/12, Moody’s tiếp tục hạ bậc tín nhiệm của nước này từ Aa2 xuống Aa3, trong khi Fitch cũng đã từng giảm xếp hạng trái phiếu chính phủ Pháp.

Thị trường trái phiếu và cổ phiếu Pháp chịu áp lực bán tháo trong bối cảnh bất ổn chính trị. Chỉ số CAC 40 trở thành ngoại lệ với mức giảm 2,35% tính từ đầu năm, trái ngược với các chỉ số toàn cầu.

Các ngân hàng Pháp chịu tác động nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại, khi lo ngại về tài chính công gia tăng. Nguy cơ vỡ nợ công có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngân hàng trên khắp châu Âu, tương tự cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp năm 2009. Cuối tháng 11, lợi suất trái phiếu chuẩn của Pháp lần đầu tiên ngang bằng Hy Lạp, báo hiệu nguy cơ sụp đổ Chính phủ ngày càng rõ ràng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục