Một doanh nghiệp bị thiệt hại nặng khi xuất khẩu chè sang Pakistan

16:19' - 07/09/2021
BNEWS Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, một doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 5 tấn chè sang Pakistan, thế nhưng hàng đã cập cảng nhiều tháng nhưng vẫn chưa nhận được tiền thanh toán.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp không tuân thủ tập quán buôn bán quốc tế, không yêu cầu khách mở thư tín dụng (L/C) hoặc đặt cọc.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, ngày 15/12/2020, một doanh nghiệp của Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu chè sang Pakistan với Công ty REHMAN INTERNATIONAL (Pakistan).

Ngày 7/1-5/2/2021, doanh nghiệp Việt Nam đã giao 5 container chè đến cảng Karachi với tổng trị giá 138.289,5 USD.

Tuy nhiên, sau khi hàng đến cảng Karachi, ông Ibad Ur Rehman - Giám đốc Công ty REHMAN INTERNATIONAL đã nhiều lần hứa hẹn với doanh nghiệp này nhưng vẫn không thanh toán.

Sau rất nhiều lần bị thất hứa, đến ngày 3/7/2021, doanh nghiệp Việt Nam mới gửi thư cầu cứu đến Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan.

Bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương mại Việt Nam tại Pakistan cho hay, sau khi tiếp nhận thư, ngày 5/7/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan, Bộ phận Thương vụ đã làm việc ngay với lãnh đạo Hải quan cảng Karachi thông báo sự việc và yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật Pakistan để ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam; đồng thời nhờ đối tác của Thương vụ hỗ trợ, gây sức ép buộc ông Ibad Ur Rehman thực hiện việc thanh toán.

Ngoài ra, Thương vụ cũng tư vấn cho doanh nghiệp chuẩn bị phương án bán 5 container chè cho khách hàng khác và giới thiệu đối tác để công ty Việt Nam đàm phán bán chè.

Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tin lời hứa thanh toán của phía công ty đối tác, không tích cực tìm cách khác xử lý vụ việc.

Hậu quả là tính đến hết tháng 8/2021 các chi phí phát sinh do việc hàng bị tồn đọng tại cảng Karachi đã lên tới hơn 100.000 USD, gần tương đương với trị giá của toàn bộ lô hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Điệp Hà, mặc dù Thương vụ hết sức cố gắng làm việc với tất cả các đối tác để tìm người mua 5 container chè nhưng hầu hết các đối tác đều từ chối vì số lượng hàng này đã nằm ở cảng quá lâu. Hải quan Pakistan đã đưa 4 container vào danh sách bán đấu giá.

Vì vậy các đối tác lo ngại mua lô hàng sẽ phải làm thủ tục rất phức tạp, phát sinh nhiều loại thuế và chi phí và nhiều vấn đề phức tạp khác từ người mua ban đầu.

Vì vậy, Thương vụ đã khẩn cấp đề nghị doanh nghiệp xem xét lập hồ sơ trình báo vụ việc cho cơ quan công an Việt Nam và kiến nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Việt Nam xem xét thực hiện việc cấm xuất cảnh và hạn chế đi lại đối với ông Khalil Ur Rehman là cộng sự, anh ruột của ông Ibad Ur Rehman hiện đang ở Việt Nam để gây sức ép và đảm bảo trách nhiệm phối hợp xử lý 5 container chè tại cảng Karachi.

Bên cạnh đó, Thương vụ cũng báo cáo Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan kiến nghị đưa ông Ibad Ur Rehman vào danh sách công dân Pakistan đang có tranh chấp với doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời thông báo cho doanh nghiệp này biết tất cả các đối tác Pakistan đều khuyên làm thủ tục tái xuất ngay lô hàng này trở lại Việt Nam để hạn chế thiệt hại phát sinh thêm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại liên hệ với một tổ chức có tên là Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Quốc tế đề nghị hỗ trợ, mong muốn tổ chức này ứng toàn bộ chi phí giải cứu lô hàng, sau đó công ty sẽ hoàn trả từ tiền bán lô hàng.

Ngược lại, tổ chức nói trên yêu cầu công ty làm mọi thủ tục và chịu mọi chi phí giải cứu lô hàng, sau đó tổ chức này mới tiến hành kiểm tra chất lượng và đàm phán mua hàng. Do đó, vụ việc lại lâm vào bế tắc.

Tính toán sơ bộ của một đại lý hải quan tại Karachi cho thấy, nếu để lô hàng tại cảng Karachi đến ngày 15/9/2021 thì các chi phí phát sinh sẽ lên đến khoảng 140.000 USD và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiệt hại toàn bộ lô hàng.

Ngoài ra công ty còn có thể bị 2 hãng tầu OOCL và WANHAI khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại gây ra cho 2 hãng tàu.

Theo Bộ Công Thương, đây không phải là trường hợp đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình cảnh hàng đã cập cảng, nhưng tiền thì chưa thanh toán được, dẫn đến thiệt hại đơn, thiệt hại kép.

Trước đó, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã nhiều lần khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi giao dịch kinh doanh với đối tác cần tìm hiểu kỹ, hoặc nếu có nghi ngờ về tính xác thực cần liên hệ ngay với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để được hỗ trợ và cung cấp thông tin cần thiết.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần hết sức cảnh giác giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên internet hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau; mà nên tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham gia chương trình xúc tiến thương mại, dự hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại.

Đáng lưu ý, để tránh bị lừa đảo, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng khuyến nghị doanh nghiệp trong nước cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật của nguồn nhân lực làm ngoại thương, phát triển thị trường của doanh nghiệp mình.

Mặt khác, doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ hồ sơ giấy tờ, yêu cầu đối tác cung cấp thông tin chi tiết về nhà máy, giấy kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận màng lọc đạt chuẩn, giấy chứng nhận ISO, GMP…

Đặc biệt, doanh nghiệp phải hạn chế thanh toán đặt cọc trước cho đối tác, không chấp nhận các điều khoản thanh toán bất lợi như D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ); D/P (giao tiền thì giao chứng từ) trả chậm, hoặc cho khách hàng nợ tiền hàng, nên áp dụng hình thức thanh toán an toàn hơn như tín dụng thư không hủy ngang, bảo lãnh ngân hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục