Một góc nhìn khác về nước cho đồng bằng sông Cửu Long

07:42' - 19/05/2016
BNEWS Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 khu vực đồng bằng trên thế giới chịu tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tình trạng hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay sẽ đến sớm. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của cả nước, chiếm trên 67% diện tích cả nước với hai đối tượng nuôi xuất khẩu chủ lực là tôm nước lợ và cá tra. Nhưng nơi đây cũng là một trong 3 khu vực đồng bằng trên thế giới chịu tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Quản lý, sử dụng nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu là vấn đề cần quan tâm và đặt ra trong việc tìm hướng cho sự phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững.

Mặn là một trong những yếu tố chất lượng nước quan trọng nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn vào cửa sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc chặt chẽ bởi các yếu tố: dòng chảy kiệt từ thượng nguồn sông Mêkông; khả năng trữ nước cuối mùa lũ của vùng; diễn biến mực nước ven biển; tình trạng sử dụng nước ở vùng; hình thái cửa sông và lòng dẫn, cao độ địa hình của đồng bằng; gió chướng, lượng bốc hơi nước…

Năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu khắc nghiệt nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Trên hầu hết các hệ thống sông, kênh vùng ven biển xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng 60-70 km, có nơi 100 km (sông Vàm Cỏ).

Ảnh hưởng trực tiếp của độ mặn cao ở một số tỉnh như Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau và Bạc Liêu đã gây thiệt hại cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Các vùng nuôi tôm ven biển, độ mặn tăng cao vượt ngưỡng tăng trưởng tối ưu (25 phần nghìn) và kéo dài sẽ tác động lớn đến đối tượng nuôi và hiệu quả sản xuất.

Biến đổi khí hậu với hiện tượng điển hình về xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang đặt ra vấn đề bức thiết đối với nuôi trồng thủy sản.

Do đó, giải pháp trước mắt là cần theo dõi, cập nhật các thông báo khí tượng thủy văn, độ mặn, điều chỉnh lịch thời vụ, giống nuôi phù hợp cho từng vùng, chọn công nghệ nuôi tiên tiến tiết kiệm nước. Đồng thời nạo vét kênh mương, gia cố bờ ao đầm, cống để giữ nước cũng như hạn chế xâm nhập mặn.

Về dài hạn, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch của bộ, ngành và địa phương như: quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, quy hoạch phát triển thủy sản cho phù hợp với diễn biến gia tăng xâm nhập mặn hiện nay. Cần nghiên cứu xem xét chuyển đổi các vùng nuôi tôm lúa bị xâm nhập mặn và không thể trồng lúa một vụ thành vùng chuyên tôm nuôi với hình thức quảng canh cải tiến.

Với những vùng trước đây trồng lúa 2 vụ mà hiện nay bị xâm nhập mặn thì cho phép chuyển sang nuôi tôm - lúa. Cùng với đó là rà soát lại quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng thủy sản của vùng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo cung cấp nước cho các hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển nuôi trồng thủy sản ở 3 vùng sinh thái khác nhau: mặn, lợ, ngọt. Do vậy, cần chọn đối tượng nuôi phù hợp cho 3 vùng sinh thái thích nghi với nguồn nước, khai thác hiệu quả trên một đơn vị diện tích nuôi.

Tôi đồng ý với quan điểm "Không nhất thiết phải sản xuất lúa bằng mọi giá mà có thể chuyển sang hình thức canh tác khác" và "Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ nên tập trung trồng lúa tại các vùng đất phù sa ven sông hoặc ven kênh lớn bảo đảm có nước ngọt hoàn toàn quanh năm".

Tại các vùng nhiễm mặn, nếu nuôi tôm bền vững thì Nhà nước nên đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi kèm theo giúp dân tránh được tình trạng tôm bệnh như hiện nay".

Không nhất thiết phải sản xuất lúa bằng mọi giá mà có thể chuyển sang hình thức canh tác khác. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Về đầu tư, cần xây dựng các công trình thủy lợi ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời cấp nước phục vụ sản xuất. Tăng cường đầu tư cho hệ thống đê, kết hợp trồng rừng phòng hộ ngập mặn ven biển; quản lý nâng cấp độ che phủ rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng ngập mặn hiện có. Đối với quy hoạch hệ thống thủy lợi cần đầu tư những công trình mang tính quyết định như hệ thống cống điều tiết nước cho đê bao vùng biển Đông và biển Tây.

Một quan điểm khác về quản lý nguồn nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà các chuyên gia cũng đã đưa ra nhằm tạo nguồn nước, chủ động nguồn nước trong điều kiện xâm nhập mặn hay khan hiếm nguồn nước ngọt là trữ nước ngọt bằng các hồ nhân tạo.

Có thể, xây dựng một số hồ ở những vùng ngập sâu, nơi mà sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả như ở Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, một số khu vực rừng U Minh (Cà Mau)… Những vùng trũng này có thể tạo ra các hồ chứa tới vài tỷ mét khối nước.

Cũng có thể xây dựng các công trình ngăn sông quy mô vừa để ngăn mặn và trữ nước cho từng vùng, kết hợp chống hạn. Hiện đại đa số các công trình vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được quy hoạch xây dựng theo hướng này.

Xây dựng các công trình thủy lợi theo hướng này sẽ phát huy tác dụng tốt khi kết hợp với công tác xây dựng các hệ thống đê vùng khép kín. Ưu điểm nổi bật của giải pháp này là công trình xây dựng đơn giản, mức đầu tư xây dựng thấp, hiệu quả xây dựng công trình sớm phát huy, phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay.

Ngăn các cửa sông lớn cũng là giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài. Giải pháp này sẽ hình thành hai hướng quản lý khai thác nguồn nước. Hướng thứ nhất là ngăn lần lượt một hoặc một số sông lớn. Những sông còn lại vẫn tiếp tục được quản lý khai thác theo quy hoạch. Giải pháp này mang tính chất kiểm soát mặn.

Hướng thứ hai là ngăn mặn giữ ngọt, tiêu úng thoát lũ triệt để (mang tính chất ngăn mặn). Theo hướng này, tất cả các dòng sông lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long  đều được xây dựng. Việc ngăn các sông lớn sẽ mang lại hiệu quả ngăn được xâm nhập mặn cả về nước mặt và thấm mặn; trữ được lượng nước ngọt khá lớn (hàng chục tỷ m3 nước). Đồng thời giúp gạn triều, tiêu úng cải tạo đất thuận lợi, cải thiện được khả năng thoát lũ.

Phương pháp ngăn các sông lớn này sẽ biến Đồng bằng sông Cửu Long thành đồng bằng vùng nước ngọt ở phía trên và vùng mặn ở gần biển. Hướng giải quyết này sẽ giải quyết triệt để vấn đề xâm nhập mặn, cải thiện rất tốt vấn đề thoát lũ.

Tuy nhiên cần phải nghiên cứu đánh giá một cách đầy đủ hơn về tác động môi trường, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp của một bộ phận lớn dân cư do sự chuyển đổi giữa vùng sinh thái mặn - ngọt hoặc lợ - ngọt. Mặt khác để giải quyết được theo hướng này cần một lượng kinh phí rất lớn. Đây là những trở ngại to lớn khi nghiên cứu giải quyết theo hướng triệt để./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục