Một loạt dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam rút ngắn tiến độ, dự kiến hoàn thành vào 30/4 - 1/5/2025

19:53' - 30/12/2024
BNEWS Một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng, thậm chí 9 tháng.

Theo Báo cáo công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Bộ Giao thông vận tải, năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án, đến nay một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng, thậm chí 9 tháng.

 

Theo đó, Dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh dự kiến rút ngắn 5 tháng; Vạn Ninh - Cam Lộ dự kiến rút ngắn 6 tháng, phấn đầu hoàn thành vào dịp 30/4/2025 - 1/5/2025; Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dự kiến rút ngắn 9 tháng, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2025.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải  đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các địa phương trong quá trình chuẩn bị, triển khai 9 dự án đường bộ cao tốc do địa phương là cơ quan chủ quản.

Nhiều khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án, nhất là trong thẩm định dự án, thủ tục khai thác vật liệu phục vụ thi công, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, công tác tác tổ chức thi công, quản lý dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phối hợp, hỗ trợ, cùng các địa phương tháo gỡ kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sớm cho chủ trương.

Đặc biệt, nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam.

Về đường bộ, năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, đã khởi công 8 dự án; hoàn thành đưa vào khai thác 7 dự án, nâng tổng số km đường cao tốc cả nước đến nay lên 2.021 km.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai để hoàn thành mục tiêu 3.000 km vào năm 2025; đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư 8 trạm dừng nghỉ, đang triển khai mời thầu 13 trạm dừng nghỉ còn lại.

Trong cao điểm thi đua “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, với tinh thần chỉ bàn làm không bàn lùi,  Bộ Giao thông vận tải tập trung chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng.

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý thực hiện hợp đồng, kiểm soát chất lượng, quản lý, điều hành dự án đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, tuân thủ quy định pháp luật.

Đến nay, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đều đánh giá các dự án cơ bản đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, đồng thời cũng chỉ ra một số tồn tại, các tồn tại này đã được các chủ đầu tư kịp thời khắc phục. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự bảo đảm chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực điều hành, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng.

Các đơn vị tư vấn thiết kế đã chú trọng đến công tác khảo sát, điều tra các mỏ vật liệu, bãi đổ thải, thực hiện nghiêm túc công tác giám sát tác giả, kiểm soát chặt chẽ thành phần hồ sơ theo quy định; các đơn vị tư vấn thẩm tra đã tăng cường bố trí cán bộ đủ năng lực, phù hợp với quy mô, loại và cấp công trình. Các đơn vị tư vấn giám sát đã kiểm soát công tác thí nghiệm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công tuân thủ các điều khoản hợp đồng đã ký kết, thực hiện giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật tư, vật liệu và thiết bị sử dụng cho công trình.

Các nhà thầu thi công đã thay đổi nhận thức, phương thức triển khai, xác định chất lượng công trình là danh dự sống còn của doanh nghiệp, huy động động đầy đủ, đúng chủng loại máy móc, thiết bị, nhân lực thi công theo biện pháp thi công được phê duyệt.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho hay, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan tham mưu đã dành nhiều thời gian kiểm tra hiện trường, làm việc với chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các chủ thể tham gia huy động tối đa nguồn lực, tập trung xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, tổ chức thi công “3 ca 4” kíp để đẩy nhanh tiến độ, tuyệt đối phải bảo đảm chất lượng.

Về giải ngân đầu tư công, theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu các chủ thể liên quan trong giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải đi đôi với kết quả thực chất là sản lượng trên công trường.

Năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đã được được giao khoảng 75.481 tỷ đồng; trong đó, 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024, 4.193 tỷ được giao bổ sung từ tháng 11 năm 2024. Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục