Một nửa diện tích đất nông nghiệp thế giới được tưới bằng nước thải

11:16' - 05/07/2017
BNEWS Nước thải chưa qua xử lý từ các thành phố đã được sử dụng cho việc tưới tiêu 50% diện tích đất nông nghiệp trên toàn thế giới.

Theo một nghiên cứu khoa học công bố ngày 5/7, con số này vượt xa ước tính trước đây và đang khiến cho 885 triệu người trên thế giới đối mặt với nguy cơ về việc mắc phải một số dịch bệnh như tiêu chảy và dịch tả.

Có tới 36 triệu hécta - tương đương với diện tích nước Đức, phục vụ cho mục đích cây trồng mùa vụ, được tưới tiêu từ nguồn nước xả thải đầu nguồn của các sông hồ trong phạm vi khoảng 40km của nhiều thành phố.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Research Letters, có khoảng 80% diện tích cây trồng - tương đương 29 triệu hécta của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Mexico và Iran, đang sử dụng nguồn nước thải được xử lý rất hạn chế.

Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng hệ thống Thông tin địa lý (GIS) để phân tích các dữ liệu, dự báo sớm dựa trên các công trình nghiên cứu và phỏng đoán.

Nhà khoa học tại Trung tâm quản lý nước quốc tế (IWMI) Pay Drechsel- một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết nước thải chưa qua xử lý, dù với nồng độ thấp cũng sẽ gây nguy hiểm về sức khoẻ đối với nông dân và người tiêu dùng, đồng thời nhấn mạnh: "Trong nước thải có chứa rất nhiều cặn bã gây ô nhiễm từ các chất thải".

Người lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể bị nhiễm trùng da khi tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm, trong khi người tiêu dùng cũng bị nguy hiểm từ các loại ký sinh trùng trên sản phẩm như tiêu chảy và dịch tả khi ăn rau sống.

Mối đe doạ sẽ càng trở nên tồi tệ khi dân số toàn cầu tăng lên, kéo theo những vấn đề về phát triển và bất cập từ việc mở rộng thành phố ở các nước đang phát triển.

Theo chuyên gia Anne Thebo của Đại học Berkeley tại California (Mỹ) - người đứng đầu công trình nghiên cứu trên, hiện đang có một khoảng cách giữa sự đầu tư cho hoạt động xử lý nước thải với sự gia tăng dân số và một lượng lớn người tiêu dùng đang ăn các sản phẩm "sống" phải đối mặt với các mối đe doạ về vấn đề an toàn thực phẩm.

Theo Liên hợp quốc, ô nhiễm từ các chất thải của con người và động vật ảnh hưởng gần 1/3 số lượng sông ngòi ở khu vực Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi và có tới 3,4 triệu người tử vong mỗi năm từ các căn bệnh liên quan đến nước bẩn.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc vào tháng 3 vừa qua cũng cho biết các chính phủ nên xem việc xử lý nước thải nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nước sạch, năng lượng và nguyên liệu thô. Nước thải còn chứa một số hoá chất như phốt-pho và ni-trát có thể làm phân bón khi xử lý bùn cặn thành ga sinh học./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục