Để nông nghiệp không rơi vào tăng trưởng "bong bóng"

10:59' - 03/07/2017
BNEWS Nếu như trước đây 1 năm, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18%, thì 6 tháng năm nay đã tăng 2,65%, chỉ thấp hơn một chút so với 2014 và tăng hơn so với các năm còn lại.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, GDP toàn ngành nông nghiệp tăng 2,65%, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thặng dư thương mại toàn ngành lại giảm 22%. Lý giải về vấn đề này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn. Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả 6 tháng đầu năm mà ngành nông nghiệp đạt được?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Năm 2017, ngành nông nghiệp vẫn còn những khó khăn cố hữu như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thiếu chặt chẽ cùng với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, đặc biệt là khó khăn về thị trường tiêu thụ với nhiều mặt hàng như thủy sản, thịt lợn...
Tuy vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, ngành nông nghiệp đã về đích thành công. Nếu như trước đây 1 năm, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18%, thì 6 tháng năm nay đã tăng 2,65%, chỉ thấp hơn một chút so với 2014 và tăng hơn so với các năm còn lại.

Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp… đều có tăng trưởng, đặc biệt là thủy sản tăng trưởng rất cao. Tăng trưởng này góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Cả nước đã có 2.745 xã (30,76%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 34 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có thể nói, bức tranh chung là 6 tháng đầu năm nay các chỉ tiêu toàn diện hơn rất nhiều.
Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, ông nhận định thế nào về khó khăn của ngành nông nghiệp trong thời gian tới?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Chính phủ đã giao nhiệm vụ năm 2017 ngành nông nghiệp phải đạt tối thiểu tốc độ tăng trưởng 3,05% và kim ngạch xuất khẩu trên 33 tỷ USD, đây là nhiệm vụ hoàn toàn không dễ dàng.
Khó khăn trước mắt trong ngắn hạn chính là giải quyết quan hệ cung cầu thị trường. Chúng ta đã có lượng nông sản hàng hóa dồn dào, sức sản xuất của nhân dân rất lớn. Như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nói là khâu hợp tác sản xuất và thương mại để đảm bảo chuỗi sản xuất còn rất nhiều khó khăn, trong khi lại chuẩn bị bước vào mùa mưa bão.

Nếu thời tiết diễn biến thuận lợi thì có thể đạt tăng trưởng đề ra. Do đó, phải có phương án chủ động ngay từ bây giờ như rà soát những khu vực trọng điểm bị tác động bởi lũ lụt, xâm nhập mặn, dồn lực giải quyết tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long…
Còn rất nhiều việc ngành nông nghiệp phải làm và tăng trưởng này ngành cũng xác định đạt được không phải là tăng trưởng "bong bóng" mà xuyên suốt vẫn phải là tăng trưởng đặt trong điều kiện bền vững.

Tức là thực hiện các giải pháp đồng bộ của tái cơ cấu, phải chú trọng giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi và tiếp tục lấy năm 2017 là năm trọng tâm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Muốn sản phẩm chất lượng cao phải an toàn và để hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ thì còn rất việc ngành nông nghiệp phải làm.
Phóng viên: Vậy trong 6 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện các giải pháp như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Bộ đã có những chương trình để thực hiện những chỉ tiêu cơ bản đặt ra. Những chương trình rất cụ thể trong từng lĩnh vực, như trong trồng trọt ngoài thực hiện chương trình chung của tái cơ cấu thì chúng tôi có chương trình ngành hàng, xác định những mặt hàng chủ lực để có xử lý kịp thời, tập trung vào giải quyết cung cầu, khai thông thị trường.

Cùng với việc giải quyết thị trường trong nước thì phải hài hòa hóa những ách tắc của những thị trường quốc tế, nhất là những thị trường chiếm tỷ trọng nông sản rất lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU.
Bên cạnh đó, giải quyết tốt những phương án để xử lý tình huống thiên tai. Ngay từ bây giờ phải rà soát những công trình xuống cấp, điều phối xử lý liên hồ… để không xảy ra những tình huống bất ngờ, bởi không chỉ gây thiệt hại nông nghiệp mà còn tài sản, tính mạng của người dân.
Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành trong việc kiểm soát, phòng vệ đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu vào nước ta. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đề nghị các bộ ngành, Chính phủ xem xét rất cẩn trọng, đúng pháp luật về việc tạm nhập tái xuất các loại nông sản, đặc biệt là các loại thịt để làm sao không bị thẩm thấu vào thị trường trong nước.

Chúng ta nhập khẩu các sản phẩm, như thịt từ các nước là quan hệ quốc tế rất bình thường. Đây là quan hệ cùng có lợi nên là việc cần xử lý linh hoạt. Trong tình huống ấy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gắn kết, thông tin đầy đủ với người dân để chúng ta có cái nhìn tổng thể.
Phóng viên: Sáu tháng đầu năm, thặng dư thương mại toàn ngành giảm khá mạnh với 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này và ngành sẽ có giải pháp gì?
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: 6 tháng đầu năm, thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,08 tỷ USD. Ngành vẫn có thặng dư thương mại nhưng giảm 22% do tăng nhập từ thức ăn chăn nuôi và vật tư trong nông nghiệp.

Bộ cũng đã xem xét chỉ tiêu này và sẽ tăng xuất khẩu vào cuối năm, cộng với việc đầu năm nhập khẩu nhiều sản phẩm cho cuối năm thì cuối năm kim ngạch nhập khẩu sẽ giảm. Dự kiến cả năm 2017, xuất siêu sẽ lớn hơn 2016 và tỷ lệ chênh lệch giữa xuất và nhập sẽ tương tự năm 2016.
Hiện Việt Nam đang xuất siêu nhiều nông sản vào các thị trường mà bản thân nước đó cũng đang muốn cân bằng xuất nhập khẩu. Rất có thể những thị trường ấy, Việt Nam không nhập vật tư, hàng hóa nông nghiệp nhưng phải nhập máy móc, thiết bị phục vụ cho ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Năm nay, ngành nông nghiệp tin tưởng giá trị xuất siêu nông sản sẽ đạt được ít nhất bằng năm ngoái.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục