Mùa khô 2017 sẽ khai thác cao nguồn nhiệt điện

09:06' - 05/04/2017
BNEWS Phương thức vận hành của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền trong mùa khô năm 2017 (từ tháng 4 này) sẽ khai thác cao nhiệt điện.
Đường dây 500kV Sơn La-Lai Châu. Ảnh: TTXVN.

Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) hiện đang quản lý vận hành 128 trạm biến áp, bao gồm 102 trạm biến áp 220 kV, 26 trạm biến áp 500 kV và 398 đường dây; trong đó có 64 đường dây 500 kV, 334 đường dây 220 kV.

Đánh giá tình hình vận hành lưới điện năm 2017 của EVNNPT cho thấy, phương thức vận hành của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền trong mùa khô năm 2017 (từ tháng 4 này) sẽ khai thác cao nhiệt điện.

Bên cạnh đó, đường dây 500 kV Bắc – Nam tiếp tục truyền tải cao do dự phòng công suất và sản lượng miền Bắc lớn, đặc biệt là cung đoạn đường dây 500 kV Nho Quan – Hà Tĩnh – Đà Nẵng – Pleiku.

Trong mùa lũ, công suất truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam, thì lưới 500 kV cũng nhận công suất từ lưới 220 kV và 110 kV tại khu vực miền Trung, trong khi đó miền Nam có xu hướng nhận điện từ miền Bắc và miền Trung cả năm 2017. Với mức độ truyền tải công suất cao trên đường dây 500 kV Bắc – Nam sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong vận hành hệ thống điện.

Tính toán của EVNNPT cũng cho thấy, ở khu vực miền Bắc, trong chế độ vận hành bình thường, các máy biến áp 500 kV tại trạm 500 kV Hiệp Hòa, Thường Tín, Đông Anh và Phố Nối mang tải cao (trên 70%). Trong một số chế độ cao điểm, các máy biến áp 500 kV Hiệp Hòa và Thường Tín có thể bị đầy tải.

Tại trạm 500 kV Vũng Áng trong chế độ vận hành bình thường nếu phát cao công suất các Nhà máy điện Vũng Áng 1, Nghi Sơn 1 và các nhà máy thủy điện trong khu vực sẽ gây đầy và quá tải máy biến áp 500 kV, công suất 450 MVA Vũng Áng.

Bên cạnh đó là các máy biến áp 220 kV và đường dây 220 kV mang tải cao như máy biến áp 220 kV AT4, AT5 Thành Công (mang tải từ 85-90%), AT1 Đình Vũ (từ 80-85%), AT1 Cao Bằng (từ 92-97%), AT1 và AT2 Phủ Lý (từ 83-88%). Và các đường dây 220 kV mang tải cao như Hòa Bình - Hà Đông (từ 79-84%), Sóc Sơn - Hiệp Hòa (từ 82-87%), Đồng Hòa - Thái Bình (từ 79-84%), Thường Tín - Hà Đông (từ 90-95%).

Đấu nối Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vào hệ thống điện Quốc gia. Ảnh: TTXVN.

Theo EVNNPT, đối với lưới 500 kV, nếu xảy ra sự cố 1 máy biến áp 500 kV tại trạm 500 kV Hiệp Hòa, Thường Tín và Sơn La sẽ gây quá tải nặng cho máy biến áp còn lại. Nếu xảy ra sự cố đường dây 500 kV Hà Tĩnh – Vũng Áng hoặc Hà Tĩnh – Đà Nẵng, hoặc sự cố máy biến áp Hà Tĩnh sẽ gây quá tải cho máy biến áp 500 kV Vũng Áng.

Còn lưới 220 kV khi xảy ra sự cố 1 máy biến áp sẽ gây quá tải nặng cho máy biến áp còn lại như Hải Dương Phủ L và Nghi Sơn. Khi xảy ra sự cố 1 mạch đường dây 220 kV Hiệp Hòa – Sóc Sơn, Thái Bình - Đồng Hòa sẽ gây quá tải cho mạch còn lại.

Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong chế độ vận hành bình thường nếu phát cao công suất các nhà máy thủy điện trong khu vực như Sesan 4, Sesan 4A, Xekaman1 sẽ gây đầy và quá tải máy AT2 Pleiku 2 khi chưa lắp máy biến áp 500 kV thứ 2 tại trạm 500 kV Pleiku 2. Các nhà máy thủy điện phát cao lên lưới 500 kV cũng gây đầy tải cho các máy biến áp ở Đắk Nông.

EVNNPT cũng cho biết, trong chế độ vận hành bình thường thì lưới điện miền Trung sẽ không xảy ra tình trạng vận hành đầy tải, quá tải. Tuy nhiên tại các trạm 220 kV Nha Trang, Quy Nhơn và Krongbuk, nếu xảy ra sự cố ở 1 máy biến áp thì các máy biến áp còn lại sẽ vận hành quá tải.

Tại khu vực miền Nam, theo EVNNPT, trong chế độ vận hành bình thường, các máy biến áp 500 kV Cầu Bông, Phú Lâm, Sông Mây và Tân Định mang tải cao (trên 80%). Tuy nhiên, trong một số chế độ cao điểm, các máy biến áp 500 kV Cầu Bông, Tân Định có thể bị đầy tải, máy biến áp 500 kV Cầu Bông có thể bị quá tải. Khi có máy biến áp thứ 2 tại trạm Cầu Bông sẽ giảm tải cho máy biến áp thứ nhất và hỗ trợ cho trạm Tân Định.

Đối với lưới điện 220 kV ở miền Nam, trong năm 2017, trong chế độ vận hành bình thường, các máy biến áp 220 kV thường xuyên mang tải cao (trên 90%) như các máy biến áp 220kV AT1, AT2 Nhà Bè; AT1, AT2 Tao Đàn; AT3, AT4, AT7 Phú Lâm; AT2 Thủ Đức; AT3, AT4 Tân Định; AT1, AT2, AT3 Long Bình; AT1, AT2 Long Thành; AT1, AT2 Long An; AT1 Mỹ Tho 2, AT2 Trà Nóc…. Các đường dây 220 kV vận hành tải cao gồm: Phú Mỹ 1 - Long Thành mạch 1, 2; Thủ Đức – Cát Lái mạch 1, 2. Bên cạnh đó là các đường dây 220 kV Phú Lâm - Bình Tân, Phú Lâm - rẽ Vĩnh Lộc.

Trong chế độ sự cố, các máy biến áp 500 kV còn lại tại trạm Phú Lâm, Sông Mây, Tân Định sẽ quá tải. Riêng sự cố máy biến áp Phú Lâm sẽ gây quá tải nặng cho các đường dây 220 kV Phú Lâm – Bình Tân, Phú Lâm – rẽ Vĩnh Lộc.

Đối với lưới 220 kV, khi xảy ra sự cố 1 máy biến áp sẽ gây quá tải các máy biến áp còn lại của trạm Nhà Bè, Tao Đàn, Phú Lâm, Thủ Đức, Tân Định, Long Bình, Long Thành, Mỹ Phước, Uyên Hưng, Long An và Mỹ Tho. Sự cố 1 mạch đường dây Thủ Đức – Cát Lái, Củ Chi – Trảng Bàng, Long Bình – Long Thành cũng sẽ gây quá tải cho mạch còn lại.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT cho biết, trong năm 2017 vẫn tiếp tục xuất hiện tình trạng điện áp cao trên lưới, đặc biệt là các chế độ thấp điểm và các ngày lễ lớn. Thậm chí, một số thời điểm phải tách đường dây 500 kV và 220 kV để tránh quá điện áp./.    

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục