Mưa “vàng” cứu khát Bạc Liêu

10:07' - 06/05/2016
BNEWS Rạng sáng 6/5, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có mưa lớn trên diện rộng kéo dài hơn 30 phút. Cơn mưa đã “cứu khát” cho nhiều diện tích lúa Hè Thu thiếu nước trầm trọng nên người dân rất vui mừng.
Nông dân Bạc Liêu phấn khởi trước mưa "vàng". Ảnh: TTXVN

Rạng sáng 6/5, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có mưa lớn trên diện rộng kéo dài hơn 30 phút. Người dân Bạc Liêu ví đây là cơn mưa “vàng” xua tan nắng nóng oi bức nhiều ngày qua, làm cho không khí mát dịu trở lại.

Cơn mưa bắt đầu từ 4 giờ 30 đến hơn 5 giờ, mưa nặng hạt bao trùm thành phố Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai và một phần của huyện Đông Hải. Tại thành phố Bạc Liêu, mưa lớn đã làm đọng nước một số tuyến đường, gây khó khăn cho giao thông nhưng ít ai phàn nàn bởi mọi người đều mong mưa từ lâu.

Riêng tại huyện Hồng Dân - địa phương có gần 200 ha lúa Hè Thu gieo cấy sớm đang thiếu nước trầm trọng, cơn mưa đã “cứu khát” cho diện tích lúa nên người dân rất vui mừng.

Anh Nguyễn Thanh Hải, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân phấn khởi: 0,5 ha lúa Hè Thu của gia đình gieo cấy được hơn một tháng đã bị thiếu nước nhiều ngày qua, có chỗ bị chết nhưng cơn mưa này đã “cứu khát” cho cây lúa.

Cơn mưa cũng mang lại niềm vui cho các chủ rừng, người làm vườn, trồng hoa màu, nuôi tôm ở Bạc Liêu. Đối với diện tích rừng ở Bạc Liêu đang trong tình trạng cảnh báo cháy cấp 4, cấp 5, cơn mưa đã giảm nguy cơ cháy rừng rất lớn. May mắn hơn, mặc dù mưa trên diện rộng ở nhiều địa phương nhưng khu vực sản xuất muối của người dân huyện Đông Hải không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân không nên chủ quan, cần có giải pháp chủ động trong ứng phó với thời tiết. Trước mắt, khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích làm muối ở thời điểm này nhằm tránh thiệt hại do mưa gây ra.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Bạc Liêu, mùa mưa năm nay đến muộn, bắt đầu từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. Cơn mưa sáng 6/5 chỉ là cơn mưa đầu mùa vì vậy người dân không nên chủ quan trong sản xuất.

Thông thường, khi xuất hiện vài cơn mưa đầu mùa thì sau đó nắng nóng trở lại gay gắt hơn do đó người dân không nóng vội xuống giống lúa Hè Thu cũng như thả tôm nuôi.

Các chủ rừng, người dân sinh sống trên địa bàn cần tiếp tục đề cao công tác phòng chống cháy rừng, tích trữ nước ngọt, lựa chọn cây, con sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt cần nâng cao ý thức phòng bệnh, nhất là các bệnh giao mùa ở trẻ em và người già./. 

>>> Rừng tràm U Minh Hạ "ngửa mặt" chờ mưa

>>> Những cơn mưa “vàng” đã rơi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục