Mức thuế 0% sẽ là cú hích cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam

14:50' - 11/04/2019
BNEWS Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố sơ bộ mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với 31 doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế 0%.

Bộ Thương mại Mỹ kết luận rằng, các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty Sao Ta (Fimex VN) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận (Ninh Thuận). Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Vì vậy, DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty bị đơn bắt buộc là 0%, 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên nên cũng được hưởng mức thuế 0%.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, công bố này chỉ mới tạo ra tác động tích cực về mặt tinh thần cho các doanh nghiệp chứ chưa tạo ra giá trị trực tiếp đến việc xuất khẩu tôm vào Mỹ vì tất cả còn phụ thuộc vào phán quyết cuối cùng.

Theo ông Trương Đình Hòe, mục tiêu xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2019 là 600 triệu đô la Mỹ (USD) nhưng tính đến ngày 15/3, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ mới đạt 80 triệu USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tôm Việt Nam gặp khó khăn ở thị trường Mỹ do phải chịu cạnh tranh trực tiếp về giá với tôm Ấn Độ, trong khi vẫn phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 4,58%.

Mặc dù công bố sơ bộ đưa ra mức thuế 0% nhưng trên thực tế doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải chịu mức thuế từ kỳ xem xét trước đó (4,58%) và cũng chưa chắc chắn về kết quả cuối cùng.

Nếu mức thuế 0% được áp dụng trong phán quyết cuối cùng được đưa ra vào tháng 9 năm nay thì đó sẽ là cú hích thật sự cho hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ trong quý 4 và những năm sau.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước chia sẻ, việc Bộ Thương mại Mỹ công bố sơ bộ mức thuế chống bán phá giá dành cho tôm Việt Nam là 0% là một tin vui đối với ngành chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam, bởi với mức thuế này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt việc cung cấp hồ sơ, số liệu chứng minh tôm Việt Nam không bán phá giá, thỏa mãn yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở, xã Vĩnh Bình Bắc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Theo ông Lĩnh, mặc dù đây mới chỉ là công bố sơ bộ và còn phải chờ phán quyết cuối cùng mới chắc chắn mức thuế mà doanh nghiệp Việt Nam được hưởng, tuy nhiên, công bố này đã củng cố niềm tin cho cả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và người mua tôm tại Mỹ.

Ông Trần Văn Lĩnh cho biết, từ tháng 9/2018, khi Mỹ áp dụng mức thuế chống bán phá giá 4,58% với tôm Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp Việt không dám xuất khẩu vào Mỹ và các doanh nghiệp nhập khẩu của Mỹ cũng không dám mua tôm của Việt Nam, chỉ có một số đơn hàng của khách hàng thân thiết được duy trì.

Điều này cộng với sự cạnh tranh trực tiếp từ các quốc gia xuất khẩu tôm khác như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, khiến xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ cũng sụt giảm nghiêm trọng. Từ vị trí là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất, nhì, Việt Nam đã tuột hạng xuống vị trí thứ 4.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đều hy vọng phán quyết cuối cùng của DOC sẽ thống nhất với công bố sơ bộ nhưng cũng nhấn mạnh, thuế chỉ là một phần trong những yếu tố gây khó khăn cho xuất khẩu tôm thời gian qua bởi so với những kỳ xem xét hành chính trước đó, năm 2018 thuế chống phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ đã giảm đáng kể nhưng kết quả xuất khẩu vẫn không khả quan như mong đợi.

Trong bối cảnh phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ Ấn Độ và sức tiêu thụ của người Mỹ giảm sút các doanh nghiệp cho rằng ngành tôm Việt Nam cần tập trung vào chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn mới có thể củng cố thị phần ở thị trường Mỹ.

Thêm vào đó, doanh nghiệp nên có chiến lược khai thác những thị trường nhiều tiềm năng khác để nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu, hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỷ USD mà ngành thủy sản đề ra trong năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục