Mục tiêu tăng trưởng kinh tế: Đích đến không dễ dàng

14:53' - 01/06/2018
BNEWS Tiếp nối đà tăng trưởng của quý I và 4 tháng năm 2018, kinh tế tháng 5 và 5 tháng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ở một số ngành, lĩnh vực đang có xu hướng chậm lại.

Công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng chậm lại. Ảnh: TTXVN
Xu hướng tăng chậm lại cho thấy con đường về đích năm 2018 của nền kinh tế không thực sự dễ dàng.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 5 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả nước ước tính tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành khai khoáng giảm 7,6%; ngành chế biến, chế tạo tăng 9,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%…

So với tháng 4, các chỉ số này đều có sự giảm sút; trong đó, nhóm khai khoáng tiếp tục giảm thêm 2,6 điểm phần trăm, nhóm chế biến, chế tạo giảm tiếp 3,2 điểm phần trăm. Duy chỉ nhóm sản xuất và phân phối điện tăng 1,5 điểm phần trăm do nhu cầu tiêu thụ điện trong tháng hè tăng.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 11,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,6%; ngành khai khoáng giảm 2,2%.

Tổng cục Thống kê đánh giá, ngành chế biến, chế tạo dù tiếp tục tăng trưởng cao nhưng có xu hướng tăng chậm dần, từ mức 2 tháng đầu năm tăng 15,5%; 3 tháng tăng 14,1%; 4 tháng tăng 12,5%, đến 5 tháng còn mức tăng 11,8%.

Bên cạnh đó, giá thực phẩm tăng trở lại, tạo điều kiện cho sản xuất thực phẩm phục hồi tăng trưởng nhưng theo các chuyên gia dấu hiệu này đã và sẽ tiếp tục tác động tới chỉ số giá tiêu dùng.

Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, tăng cao nhất trong 6 năm từ năm 2012 trở lại đây, tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,61% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân năm tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê (Tổng cục Thống kê), một trong các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 5 năm 2018 là do giá thịt lợn tăng cao sau một thời gian dài thua lỗ nhiều hộ chăn nuôi phải ngừng nuôi. Hiện nay nguồn cung thịt lợn ra thị trường chủ yếu từ các công ty chăn nuôi có quy mô lớn.

Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do giá nhập nguyên liệu thô như ngô, lúa mỳ, vitamin, khoáng chất tăng làm cho giá thịt lợn tăng 5,85% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,25%.

Theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), CPI tháng 5/2018 tăng chủ yếu từ yếu tố thị trường. Đó là ngoài giá thịt lợn tăng, giá một số nhiên liệu nhất là giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao hơn dự báo trên thị trường thế giới dẫn đến việc phải điều chỉnh tăng giá trong nước và giá lương thực tăng do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng. Hay giá gas cũng tăng theo diễn biến giá thế giới. Trong khi đó, ở chiều ngược lại các yếu tố giúp kiềm chế tốc độ tăng CPI về cơ bản không có nhiều thay đổi so với dự báo đầu năm.

Về hoạt động doanh nghiệp, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy có dấu hiệu thiếu sự tích cực. Trong tháng 5, cả nước có 11.027 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 104,8 nghìn tỷ đồng, giảm 24% về số doanh nghiệp và giảm 21,5% về số vốn đăng ký so với tháng trước; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 80,5 nghìn người, giảm 24,5%.

Trong khi đó, trong tháng 4, cả nước có 14.510 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 133,5 nghìn tỷ đồng, tăng 79,5% về số doanh nghiệp và tăng 64,5% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Tổng số lao động đăng ký trong tháng của các doanh nghiệp thành lập mới gần 106,7 nghìn người, tăng 54,7%.

Trong tháng 5, cả nước có 2.306 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 29,7% so với tháng trước.

Trong khi đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 4 trên cả nước là 3.281 doanh nghiệp, tăng 82,2% so với tháng trước.

Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 52.322 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 516,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Về thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, cũng cho thấy bước sụt giảm. Tính từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2018 cả nước thu hút 1.076 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt trên 4.650 triệu USD, tăng 14,6% về số dự án nhưng giảm 16,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 393 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm trên 2.492 triệu USD, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đạt trên 7.150 triệu USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên có dấu hiệu tích cực trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là có 2.341 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, vốn thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Ngoài những yếu tố kém tích cực trên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, đó là tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu là về số lượng, chất lượng tăng trưởng chuyển biến chậm. Năng suất lao động tuy đạt khá, nhưng còn thấp xa so với nhiều nước. Tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch cả năm về vốn đầu tư từ ngân sách còn thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tuy vẫn ở mức khá xa so với mục tiêu, nhưng xu hướng sẽ cao lên trong các tháng tới, ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu cả năm.

Tuy nhiên, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm nền kinh tế vẫn có những tín hiệu khả quan đó là xuất nhập khẩu, dịch vụ tiếp tục tăng, chưa bội chi ngân sách nhà nước.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 19,20 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 93,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,43 tỷ USD, tăng 17,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 66,66 tỷ USD, tăng 15%, chiếm tới 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 19,70 tỷ USD, tăng 14,5% so với tháng trước, tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước đạt 89,70 tỷ USD. Mặc dù kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 tháng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cùng thời gian này Việt Nam đã xuất siêu 3,39 tỷ USD, cho thấy hoạt động xuất khẩu đang có tín hiệu khả quan.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng trên 10%. Ảnh minh họa: TTXVN
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2018 ước tính đạt 354 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung, 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 1.753 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2017 tăng 7,5%).

Một dấu hiệu tích cực của nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm là chưa bội chi ngân sách. Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2018 ước tính đạt 490,2 nghìn tỷ đồng, bằng 37,2% dự toán năm; trong khi đó tổng chi ngân sách Nhà nước đến cùng thời điểm ước tính đạt 470,3 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán năm.

Chỉ còn già nửa chặng đường để cán đích, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến chế tạo – ngành được cho là cốt lõi của lĩnh vực công nghiệp trước mắt và lâu dài, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp khai thác những cơ hội của hội nhập để tiếp cận với công nghệ và thị trường thế giới cũng như có biện pháp hỗ trợ cụ thể để các doanh nghiệp tham gia các cơ chế thí điểm tại các thị trường năng lượng, cơ khí chế tạo…

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống Kê) đề xuất các ngành liên quan cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất.

Mặt khác, cần tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, du lịch… Đồng thời khuyến khích nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, góp phần duy trì tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, đang có khá nhiều yếu tố gây trở ngại cho mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng. Đó là nhiều mặt hàng tính theo giá thị trường như xăng dầu, phí BOT, học phí, phí bảo hiểm y tế…

Về mặt vĩ mô, chính sách tiền tệ cũng tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng thông qua lượng tiền cung ứng ra nền kinh tế. Vì vậy, để thúc đẩy sản xuất cũng như giữ ổn định chỉ số giá tiêu dùng, việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là "bơm – hút" tiền cần hết sức linh hoạt. Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín đề nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục