Mức tiêu thụ dầu trên toàn cầu có thể không sớm đạt đỉnh

15:42' - 22/03/2024
BNEWS Thế giới đang tiêu thụ dầu nhiều chưa từng có và nhu cầu sẽ lại vượt dự kiến trong năm nay, gây hoài nghi về việc mức tiêu thụ trên toàn cầu sẽ sớm đạt đỉnh.

Mặc dù xe điện và năng lượng tái tạo đươc đẩy mạnh, nhiều giám đốc điều hành (CEO) các công ty năng lượng tham dự hội nghị CERAWeek nhận định mức tiêu thụ dầu sẽ tăng trong nhiều năm tới, gây lo ngại về các mục tiêu phi carbon hóa nền kinh tế toàn cầu.

Ông Amin Nasser, CEO Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, cho rằng cần đầu tư thỏa đáng cho dầu mỏ và khí đốt để đáp ứng nhu cầu thực tế nếu cần.

Ông Russell Hardy, CEO Vitol SA, công ty giao dịch dầu mỏ lớn nhất trên toàn cầu, cho biết công ty ông đẩy lùi thời điểm dự báo mức tiêu thụ dầu đạt đỉnh đến đầu những năm 2030, do kỳ vọng về mức độ phổ biến của xe điện giảm xuống.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Trong khi thấp hơn so với mức tăng 2,2 triệu thùng của năm 2023, khi Trung Quốc hủy bỏ các hạn chế nhằm kiểm soát dịch đã thúc đẩy nhu cầu, mức tiêu thụ của năm nay vẫn được coi là cao.

 

 

IEA sau khi nâng dự báo vài lần hiện nhận định nhu cầu trung bình toàn cầu đạt kỷ lục 103,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, do nền kinh tế Mỹ mạnh và các tàu chở dầu phải chuyển sang lộ trình dài hơn, tránh kênh đào Suez đã làm tăng nhu cầu.

Tuy nhiên, nhiều CEO cho rằng IEA quá thận trong trong các dự báo ngắn và trung hạn, trong khi nhận định nhu cầu toàn cầu đạt đỉnh trước cuối thập kỷ này.

Công ty giao dịch dầu mỏ Gunvor Group cho rằng mức tăng nhu cầu sẽ khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trafigura, một công ty giao dịch khác, dự báo mức tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, nhưng có thể sẽ điều chỉnh tăng đáng kể.

Mức tiêu thụ mạnh đã góp phần kéo giá dầu lên, với giá dầu Brent kỳ hạn tăng 11% trong năm nay, trong đó có thời điểm vượt 87 USD/thùng.

Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mới đây đã giữ nguyên các mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm nay, nhờ đà tăng trưởng khởi sắc hơn của các nền kinh tế Mỹ và Ấn Độ.

Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dẫn báo báo mới nhất của OPEC cho hay khối này dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2024 và 2025 sẽ lần lượt ở mức 2,2 triệu thùng/ngày và 1,8 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với các mức dự báo được đưa ra trong báo cáo tháng trước. Còn IEA trước đó dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ chỉ tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024, do mức tiêu thụ của Trung Quốc chậm lại.

Trong báo cáo tháng 3/2024, OPEC đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay lên 2,8%, từ mức dự báo tăng 2,7% được đưa ra trước đó, nhờ hoạt động kinh tế tăng mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.

OPEC đánh giá: "Trong khi Mỹ, Ấn Độ và, ở một chừng mực nào đó, cả Brazil chứng kiến đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023, với các nền kinh tế Trung Quốc và Nga đều tăng trưởng ổn định vào khoảng thời gian cuối năm ngoái, thì kinh tế của Khu vực đồng euro (Eurozone) lại ghi nhận sự suy giảm".

Tuy nhiên, OPEC đã chỉ ra một số dấu hiệu báo trước sự phục hồi tăng trưởng kinh tế tiềm năng ở Eurozone, cho thấy một xu hướng tăng trưởng khởi sắc sẽ tiếp tục diễn ra trong quý I/2024.

Cơ sở khai thác dầu Aramco ở phía Nam thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN
OPEC dự báo sản lượng dầu thô năm 2024 của các nước ngoài OPEC sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày, giảm 120.000 thùng/ngày so với dự báo được đưa ra tháng trước, chủ yếu do các biện pháp hạn chế sản lượng tự nguyện trong quý II/2024 được gia hạn.

Trong tháng này, một số thành viên của liên minh giữa OPEC và các nhà sản ngoài khối, còn gọi là OPEC+, bao gồm Saudi Arabia, UAE và Kuwait, đã thông báo gia hạn các mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày như một phần trong nỗ lực hỗ trợ sự cân bằng và ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trong tháng 2/2024, sản lượng dầu thô của các thành viên chủ chốt trong OPEC, không bao gồm Angola, đã tăng 203.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, lên trung bình 26,57 triệu thùng/ngày.

Chuyên gia Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận hàng hóa toàn cầu của ngân hàng Bank of America (BofA), cho rằng OPEC sẽ tiếp tục chính sách sản lượng hiện nay và đưa ra quyết định dựa trên các dữ liệu. Ông Blanch nói thêm: "Chúng tôi tin rằng các mức cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC có khả năng sẽ được giữ nguyên nếu tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu duy trì ở mức 1,2 triệu thùng/ngày như dự báo của IEA, trái ngược với dự báo tăng trưởng nhu cầu 2,2 triệu thùng/ngày của chính OPEC".

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) trước đó công bố số liệu cho thấy sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ đang tiếp tục tăng lên trong khi giá giảm từ các mức rất cao ghi nhận vào giữa năm 2022, sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra, khiến lượng dầu và khí dự trữ tăng lên.

Về phía dầu, tổng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ đã tăng từ 376 triệu thùng tháng 12/2022 lên 413 triệu thùng vào tháng 12 năm ngoái tức 13,3 triệu thùng/ngày, tăng 1,2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó. Tính chung cả năm 2023, sản lượng tăng từ 4,347 tỷ thùng năm 2022 lên 4,721 tỷ thùng, gấp đôi năm 2012.

Trong khi đó, giá dầu thô của Mỹ trung bình ở mức 72 USD/thùng trong tháng 12/2023, giảm từ mức cao gần đây là 121 USD/thùng vào tháng 6/2022.

Số giàn khoan đang hoạt động trung bình là 501 giàn trong tháng 12/2023, giảm từ mức 623 vào tháng 12/2022, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Nhưng lại không có sự sụt giảm tương ứng nào trong sản lượng dầu, vì các giàn khoan đã được nâng cao hiệu suất bằng cách chỉ tập trung vào các địa điểm hứa hẹn. Trong ngắn hạn, ngành dầu của Mỹ đã có thể gia tăng sản lượng ở mức gia thấp hơn và ít giàn khoan hơn.

Còn với khí đốt, sản lượng khí khô đã tăng lên mức cao kỷ lục theo mùa là 3.300 tỷ foot khối (bcf) trong tháng 12/2023, từ mức 3.107 bcf một năm trước đó. Tính chung cả năm nay, sản lượng khí đốt đã chạm mức cao kỷ lục 37.883 bcf, tăng từ mức 36,353 bcf vào năm 2022, và đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006.

Trong khi đó, giá khí đốt đã giảm xuống 2,55 USD cho mỗi 1 triệu đơn vị nhiệt Anh vào tháng 12 năm ngoái. Giá khí đốt đã giảm xuống mức trung bình chỉ 1,8 USD trong tháng trước, mức thấp nhất kể từ ít nhất là năm 1990.

Cũng giống dầu, số lượng giàn khoan đã giảm xuống, nhưng sản lượng không giảm, khiến thị trường rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung kéo dài. Số lượng giàn khoan khí đốt trung bình ở mức 119 giàn trong tháng 12/2023, giảm từ mức trung bình 162 USD trong tháng 9/2022. Đây là mức cao nhất trong thời gian gần đây. Nhưng sản lượng vẫn tiếp tục đà tăng, mà lý do cũng như dầu, là chỉ tập trung vào các địa điểm hứa hẹn.

Sản lượng đã tăng nhanh hơn nhiều so với nhu cầu trong và ngoài nước khiến lượng dầu khí dự trữ tăng mạnh và từ đó càng gây nhiều áp lực hơn lên giá dầu khí.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục