Mục tiêu xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD của ngành nông nghiệp sẽ về đích

11:26' - 02/11/2023
BNEWS Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục rút ngắn đà giảm nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của trái cây, gạo… Với sự hồi phục này, dự kiến mục tiêu xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD của ngành nông nghiệp sẽ về đích.

Qua 10 tháng 2023 cho thấy, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục rút ngắn đà giảm nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của một số nông sản như trái cây, gạo… Với sự hồi phục này, dự kiến mục tiêu xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD của ngành nông nghiệp sẽ về đích. Không chỉ xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về những kết quả ngành đã và sẽ đạt được trong năm 2023.

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết về những kết quả ngành đạt được qua 10 tháng năm 2023?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Tháng 10, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,81 tỷ USD, tăng 7,43% so với tháng 9/2023 và tăng 11,9% so với tháng 10/2022. Ngoài sự tăng trưởng vẫn rất tích cực ở nhóm nông sản với mức trên 31% thì lâm sản và thủy sản đang thu hẹp đà giảm khá tích cực.

Do các tháng đầu năm xuất khẩu giảm sâu nên tính chung 10 tháng giá trị xuất khẩu vẫn còn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 43,08 tỷ USD.

Về sản xuất, 10 tháng, sản lượng lúa đạt trên 39 triệu tấn, góp phần tích cực cho xuất khẩu gạo. Chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng tốt và sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng của năm. Sản lượng thủy sản đạt 6,5 triệu tấn, tăng trưởng trên 3%. Lâm nghiệp cũng tăng trưởng tốt. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới  đạt 74,05%.

Để đạt kết quả trên ngành nông nghiệp đã bám sát vào các chiến lược: Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ các chiến lược, việc thực hiện các đề án được lãnh đạo ngành đôn đốc và giám sát chặt chẽ với các mục tiêu đặt ra cho từng năm, trong giai đoạn và đến năm 2030 với các giải pháp để triển khai.

Đó là rường cột để ngành có để đạt được tốc độ tăng trưởng đều đặn thời gian vừa qua.

Phóng viên: Với kết quả trên, theo Thứ trưởng liệu ngành có khả năng đạt được các mục tiêu của năm 2023?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Năm nay, xuất khẩu rau quả rất tốt. 10 tháng xuất khẩu rau quả đạt 4,91 tỷ USD, tăng 78,9%. Điển hình xuất khẩu sầu riêng năm nay sẽ đạt trên 2 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của sầu riêng nói riêng và hoa quả nói chung đang rất cao.

Cùng với đó, xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 3,97 tỷ USD với sản lượng 7,12 triệu tấn; hạt điều đạt 2,92 tỷ USD, tăng 14,8%. Sản phẩm chăn nuôi dù xuất khẩu chưa nhiều nhưng cũng tăng 22%.

Các sản phẩm chủ lực này cùng với đà tăng đang dần lấy lại ở các ngành hàng khác, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của ngành sẽ về đích. Bởi, 2 tháng cuối năm thường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn.

Bên cạnh đó, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng dành cho lâm nghiệp và thủy sản sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng cũng như xuất khẩu của ngành. Tháng trước, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã giải ngân được 5.500 tỷ đồng. Đến nay con số này chắc chắn cao hơn nhiều. Các ngành này sẽ có thêm nguồn tài chính để doanh nghiệp dự trữ nguyên liệu, tăng cường chế biến, xúc tiến thương mại.

Vừa qua, lũ lụt ở miền Trung cũng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu nhưng với nhiều năm kinh nghiệm ứng phó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các đơn vị, địa phương sớm khắc phục hậu quả của ảnh hưởng thiên tai vừa qua.

Phóng viên: Xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt kỷ lục mới. Thứ trưởng đánh giá thế nào về sản xuất cũng như xuất khẩu ngành hàng này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Giá xuất khẩu gạo trung bình 9 tháng đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với Ấn Độ, Thái Lan. Tín hiệu thị trường tốt mà đặc điểm sản xuất lúa chỉ 3 tháng/vụ nên việc tổ chức sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông và cả Đông Xuân 2023-2024 đã ngành được chỉ đạo quyết liệt.

Cùng với đó là Việt Nam sở hữu số lượng giống lúa năng xuất, chất lượng cao chiếm tới 85 - 90% đã tạo cơ sở cho việc chỉ đạo sản xuất, tạo ra sản lượng, chất lượng lúa gạo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu 7,12 triệu tấn gạo. Đây chính là đóng góp của Việt Nam về an ninh lương thực thế giới, đồng thời thời mang lại lợi ích cho người trồng lúa. Qua đó cũng giúp Việt Nam đẩy mạnh tiếp tục nghiên cứu về giống cũng như quy trình canh tác, sơ chế, chế biến, để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

 

Với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, ngoài việc dành cho tiêu thụ nội địa, chế biến, dự trữ, làm giống, năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn gạo, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường lúa gạo toàn cầu cũng như việc đảm bảo an ninh lương thực.

Tuy nhiên, hiện nay, chuỗi sản xuất lúa gạo chưa cao. Với cá tra, 81% cơ sở nuôi cá tra đã tham gia vào chuỗi ngành hàng này. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào xây dựng liên kết ngành hàng, không chỉ lúa gạo mà cả các ngành hàng khác để có hệ sinh thái bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 để tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, tăng thu nhập cho nông dân, đóng góp vào mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục