Mumbai vượt Hong Kong (Trung Quốc) trở thành “thánh địa IPO”

21:05' - 05/12/2023
BNEWS Số lượng IPO tại Sở giao dịch chứng khoán quốc gia và Sở giao dịch chứng khoán Bombay, đều ở Mumbai, dự kiến sẽ tăng 45% so với cùng kỳ năm 2022 lên 209 thương vụ.

Thành phố Mumbai của Ấn Độ được kỳ vọng sẽ trở thành nơi dẫn đầu thế giới về số lượng công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán mới trong năm nay nhờ số đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên hai sàn giao dịch tại thành phố này nhiều hơn bất kỳ trung tâm tài chính nào ở Trung Quốc.

 

Theo công ty tư vấn toàn cầu EY, số lượng IPO tại Sở giao dịch chứng khoán quốc gia và Sở giao dịch chứng khoán Bombay, đều ở Mumbai, dự kiến sẽ tăng 45% so với cùng kỳ năm 2022 lên 209 thương vụ. Trong khi đó, số IPO ở Thâm Quyến dự kiến sẽ giảm 33% xuống 126 thương vụ, ở Thượng Hải giảm 36% xuống 99 thương vụ và ở Hong Kong (Trung Quốc) giảm 19% xuống 61 thương vụ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các nhà đầu tư cổ phiếu, nếu tính về giá trị các thương vụ IPO, tổng giá trị IPO trên các sàn giao dịch Ấn Độ vẫn thấp hơn so với tổng giá trị IPO trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Dù vậy, số công ty niêm yết mới của Ấn Độ đang trên đà huy động được nhiều tiền hơn trong năm nay so với Hong Kong, cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Ấn Độ, chính phủ tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng mới và nhu cầu ngày càng tăng của thị trường chứng khoán Ấn Độ.

Quan chức của EY phụ trách IPO khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Ringo Choi, cho biết kinh tế Ấn Độ đã có tín hiệu tăng trưởng trong những năm gần đây nhờ dân số trẻ và niềm tin của người dân vào tiềm năng đất nước. So với 10 trước, cơ sở hạ tầng của Ấn Độ đã phát triển và cải thiện đáng kể. Ông Ringo Choi bày tỏ tin tưởng rằng thị trường IPO của Ấn Độ sẽ tăng trưởng hơn nữa.

Nhu cầu IPO của Ấn Độ, đặc biệt là đối với các công ty có vốn hóa nhỏ hơn, lớn đến mức khiến một số nhà phân tích lo lắng. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty Tư vấn đầu tư Ambit Capital, ông Nitin Bhasin, lo ngại Ấn Độ đang tiến gần đến "sự hưng phấn phi lý". Cụm từ này được cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan sử dụng vào năm 1996 để miêu tả sự kiện bong bóng dotcom.

Ông Bhasin cho biết sự háo hức về các đợt IPO có thể tiếp diễn do có rất nhiều thanh khoản trên thị trường từ các nhà đầu tư trong nước đang ưa chuộng vốn hóa nhỏ. Sự hào hứng thái quá của các công ty vừa và nhỏ đang khuyến khích nhiều công ty nhỏ hơn niêm yết và có được mức định giá tăng vọt.

Ấn Độ cũng đang được hưởng lợi từ sự phục hồi chậm của kinh tế Trung Quốc sau khi các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 được nới lỏng trong năm nay. Chỉ số chứng khoán Sensex chuẩn của Ấn Độ đã tăng 10,3% tính đến ngày 1/12, trong khi chỉ số CSI300 chuẩn của Trung Quốc giảm 10,4% và Hang Seng của Hong Kong mất 16,5%.

Chủ tịch phụ trách tín dụng khu vực tại S&P Global, Eunice Tan, cho biết trong một báo cáo tuần trước rằng cơ quan xếp hạng kỳ vọng “động cơ tăng trưởng của châu Á-Thái Bình Dương sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Nam và Đông Nam Á, đồng thời nói thêm rằng nền kinh tế Ấn Độ sẵn sàng tăng trưởng 7% mỗi năm vào năm 2026. Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,6%, Việt Nam 6,8%, Philippines 6,4% và Indonesia 5%.

Sự trái ngược giữa thị trường IPO ở Ấn Độ và Hong Kong, “cửa ngõ” từng được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn khi muốn tìm kiếm lợi nhuận từ Trung Quốc, đặc biệt rõ ràng.

EY dự đoán Hong Kong sẽ đứng thứ sáu về huy động vốn trong năm nay, giảm 58% xuống còn 5,3 tỷ USD. Hong Kong xếp sau Ấn Độ, nơi các đợt niêm yết mới dự kiến sẽ huy động được 6,6 tỷ USD, ghi dấu lần đầu tiên kể từ khi Dealogic bắt đầu tổng hợp dữ liệu IPO vào năm 2003.

Hong Kong đã dẫn đầu bảng xếp hạng IPO toàn cầu theo giá trị bảy lần trong 15 năm trước, nhờ các đợt niêm yết từ các công ty công nghệ Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho biết thị trường Hong Kong, nơi các công ty Trung Quốc chiếm 80% trong chỉ số chứng khoán chuẩn, đã bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, những lo ngại về nền kinh tế đại lục và những hạn chế của Trung Quốc đối với đầu tư ra nước ngoài. Sự kiện Alibaba hoãn niêm yết Alibaba Cloud và Hema Fresh, cả hai đều dự kiến diễn ra tại Hong Kong., cũng giáng một đòn vào thị trường này.

Số lượng IPO của Trung Quốc cũng giảm mạnh kể từ khi cơ quan quản lý chứng khoán đại lục mạnh tay chấn chỉnh thị trường chứng khoán vào cuối tháng 8/2023 khi áp đặt các hạn chế đối với việc chào bán cổ phiếu mới. Trong tháng 11/2023, có 17 đợt IPO, giảm so với con số 33 của tháng 8/2023.

Theo EY, tính đến cuối năm 2023, các đợt IPO ở Thượng Hải và Thâm Quyến dự kiến sẽ huy động được lần lượt 27,1 tỷ USD và 20,2 tỷ USD. Tại Mỹ, IPO trên sàn Nasdaq và Sở giao dịch chứng khoán New York dự kiến sẽ mang lại lần lượt 11,4 tỷ USD và 10,7 tỷ USD.

Hoạt động IPO tại Ấn Độ được thúc đẩy trong bối cảnh các doanh nghiệp đổ xô “lên sàn” chứng khoán trước cuộc tồng tuyển cử vào tháng 5/2024.

Những người được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Ấn Độ bao gồm JSW Infrastructure, nhà điều hành cảng thương mại lớn thứ hai của đất nước sau Adani Group, đã huy động được 28 tỷ rupee (336 triệu USD) với đợt chào bán cổ phiếu được đăng ký vượt mức 37 lần trong tháng 9/2023.

Đợt IPO trị giá 19 tỷ rupee của nhà sản xuất các sản phẩm nhựa như hộp tiffin và đồ nội thất đúc Cello World trong tháng 11/2023, trong khi đợt IPO của hãng giày Campus Activewear trị giá 14 tỷ rupee, vượt mức đăng ký 52 lần.

Theo phân tích của Nikkei Asia, sự chuyển hướng sang cổ phiếu ở Ấn Độ cho thấy mức thu nhập của người dân đang tăng dần trong thập niên qua và lãi suất của các chương trình tiết kiệm nhỏ giảm, vốn đã giảm tới 20% trong thập niên qua.

Trong cùng thời gian, chỉ số Sensex tăng 250% trong khi thuế cao hơn, giá trị tăng chậm hơn và lãi suất cho thuê thấp đã khiến hoạt động đầu tư bất động sản trở nên hấp dẫn. Sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp tài chính như Zeroha và Groww cũng giúp các nhà đầu tư theo đuổi lợi nhuận từ cổ phiếu thông qua giao dịch trực tiếp hoặc quỹ tương hỗ.

Nhờ đó, vai trò của nhà đầu tư trong nước trong IPO ngày càng tăng. Theo Prime Database, từ năm 2014 đến ngày 7/11/2023, các tổ chức nước ngoài đã đầu tư 1.160 tỷ rupee vào các đợt IPO của Ấn Độ trong khi các tổ chức trong nước, bao gồm các quỹ đầu tư thay thế, ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ tương hỗ, đã bơm vào 1.190 tỷ rupee.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục