Mỹ: Bế tắc về gói kích thích mới gây khó khăn cho thị trường việc làm

13:16' - 04/09/2020
BNEWS Nền kinh tế lớn nhất thế giới chịu tác động mạnh trong những tháng gần đây do đại dịch COVID-19, khiến hơn 186.000 người tử vong và hàng chục triệu người mất việc làm.

 

Sự trì hoãn trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế và bế tắc tại Quốc hội liên quan gói kích thích mới đã gây ra tình trạng bất ổn trên thị trường việc làm, trước khi báo cáo việc làm chủ chốt sẽ được Chính phủ Mỹ công bố trong ngày 4/9 (theo giờ địa phương).

Nền kinh tế lớn nhất thế giới chịu tác động mạnh trong những tháng gần đây do đại dịch COVID-19, khiến hơn 186.000 người tử vong và hàng chục triệu người mất việc làm khi các doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Khi các nghị sỹ Mỹ vẫn chưa đồng thuận về một gói kích thích kinh tế mới được cho là rất cần thiết, trong khi tốc độ cắt giảm việc làm vẫn ở mức cao, các nhà phân tích đang có những nhận định khác nhau về báo cáo việc làm tháng Tám mà Bộ Lao động sẽ công bố trong ngày 4/9.

Báo cáo việc làm tháng Bảy cho thấy các doanh nghiệp ở Mỹ đã tạo thêm 1,8 triệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 10,2%. Tỷ lệ thất nghiệp tháng Tám được cho là sẽ tiếp tục giảm, nhưng giảm đến đâu sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá các số liệu về nền kinh tế vốn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái mạnh nhất trong một thế hệ.

Nhà phân tích Mickey Levy, thuộc Berenberg Capital Markets, nhận định báo cáo việc làm tháng Tám sẽ gây bất ngờ khi công bố có tới 1,6 triệu việc làm mới, cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu mỗi tuần đều giảm.

Ông Levy nhấn mạnh các số liệu kinh tế khác như doanh số bán lẻ và số đơn đặt hàng hàng lâu bền đã tiếp tục cải thiện dù đợt bùng phát dịch thứ hai gây ra những tác động lớn.

Tuy nhiên, nhà phân tích Ian Shepherdson tại Pantheon Macroeconomics chỉ dự báo số việc làm mới là 750.000, dựa trên các khảo sát cho thấy tốc độ tuyển dụng lao động chậm lại trong tháng Tám, ở cả trong lĩnh vực công và tư. Theo chuyên gia này, điều đáng chú ý là động lực tăng trưởng việc làm đã chậm lại đáng kể và những dấu hiệu ban đầu của tháng Chín là không mấy khả quan.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng lên 14,7% vào tháng Tư, sau khi ghi nhận mức thấp kỷ lục trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Một báo cáo công bố ngày 3/9 cho thấy, tốc độ cắt giảm việc làm trong tháng Tám đã vượt mức kỷ lục năm trước đó, khi các hãng hàng không chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng, còn Bộ Lao động cho biết trung bình hơn 1 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu mỗi tuần trong tháng Tám.

Bộ Lao động vừa công bố báo cáo cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 29/8 giảm xuống 881.000 đơn, lần thứ hai ở mức dưới 1 triệu kể từ khi dịch bùng phát, khi lần đầu tiên sử dụng công thức điều chỉnh theo mùa, điều mà các nhà phân tích cho là đã có ảnh hưởng lớn đến số liệu này.

Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tiếp tục phục hồi trong tháng Tám nhưng với tốc độ chậm hơn so với tháng Bảy. Chỉ số về lĩnh vực dịch vụ của Viện Quản lý Nguồn cung giảm 1,2 điểm, xuống 56,9%, với 15 ngành dịch vụ báo cáo tăng trưởng. Tuy nhiên, số liệu này đánh dấu tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp của lĩnh vực dịch vụ.

Gói chi tiêu trị giá 2.200 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ thông qua cuối tháng Ba, với các điều khoản trợ cấp bổ sung 600 USD/tuần cho người thất nghiệp và cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ duy trì hoạt động, đã hỗ trợ tiêu dùng. Tuy nhiên, các điều khoản này đã hết hạn vào cuối tháng Bảy, song các nghị sỹ vẫn chưa đạt thỏa thuận về một gói kích thích mới./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục