Mỹ: Các nước nên cạnh tranh bằng thế mạnh kinh tế chứ không phải thuế suất thấp

20:56' - 11/07/2021
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu sẽ cho phép các quốc gia cạnh tranh dựa trên những nguyên tắc cơ bản về kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 11/7 cho biết thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu sẽ cho phép các quốc gia cạnh tranh dựa trên những nguyên tắc cơ bản về kinh tế, thay vì đưa ra các mức thuế ngày càng thấp để thu hút doanh nghiệp.

Bà Yellen đã phát biểu với báo giới sau hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Venice của Italy.

Tại cuộc họp, các Bộ trưởng G20 đã “bật đèn xanh” cho thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất 15% nhằm ngăn cản các công ty đa quốc gia tìm cách chuyển lợi nhuận đến những nơi đánh thuế thấp, hay còn gọi là các “thiên đường thuế”.

Bà Yellen nhấn mạnh, thỏa thuận này sẽ kết thúc “cuộc chạy đua xuống đáy” của các nước đang cạnh tranh để đưa ra mức thuế thấp nhất nhằm thu hút đầu tư.

Thỏa thuận sẽ cho phép tất cả các quốc gia cạnh tranh dựa trên các nguyên tắc cơ bản về kinh tế, như tay nghề của lực lượng lao động, năng lực đổi mới và sức mạnh của các thể chế pháp lý và kinh tế.

Thỏa thuận này cũng sẽ mang lại cho các quốc gia khả năng huy động nguồn tài chính cần thiết cho phát triển cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển (R&D) và giáo dục.

Trước đó, ngày 1/7, các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nhất trí đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất 15% và cho phép các quốc gia đánh thuế một phần lợi nhuận mà các công ty lớn tạo ra dựa trên doanh thu họ kiếm được từ quốc gia đó, thay vì nơi mà họ đặt trụ sở (vốn được tận dụng để "né" thuế).

Đề xuất về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ đối mặt với các rào cản chính trị và kỹ thuật trước khi có hiệu lực.

Các chi tiết về kế hoạch cải cách thuế mang tính lịch sử này sẽ được thảo luận kỹ hơn trong các cuộc họp của OECD ở Paris (Pháp).

Dự kiến sẽ không có thỏa thuận cuối cùng về mức thuế tối thiểu cho đến khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 tại Rome vào tháng 10/2021.

Liên quan tới kế hoạch áp thuế kỹ thuật số, bà Yellen đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xem xét lại kế hoạch "mang tính phân biệt đối xử" này.

Bà nêu rõ: "Thỏa thuận mà chúng ta đã đạt được trong các cuộc thảo luận của OECD kêu gọi các nước nhất trí dỡ bỏ việc áp thuế kỹ thuật số hiện nay mà Mỹ coi là 'mang tính phân biệt đối xử' và kiềm chế đưa ra các biện pháp tương tự trong tương lai. Vì vậy, việc này thực sự sẽ phụ thuộc vào Ủy ban châu Âu (EC) và các nước thành viên EU đưa ra quyết định thúc đẩy kế hoạch này như thế nào".

EU dự kiến sẽ đánh thuế thu nhập lên tới 23% đối với 5 tập đoàn công nghệ của Mỹ gồm Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft như doanh nghiệp châu Âu thay vì chỉ phải nộp 9% như hiện nay.

Mặc dù chưa được công khai, nhưng EC khẳng định kế hoạch áp thuế kỹ thuật số của EU sẽ phù hợp với mọi quy định của OECD và sẽ tác động đến hàng nghìn doanh nghiệp, trong đó có cả các công ty châu Âu.

Số tiền thu được từ chính sách thuế này dự kiến sẽ đóng góp vào quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá 750 tỷ euro của EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục