Kế hoạch cải cách thuế toàn cầu - chủ đề chính tại cuộc họp G20 sắp tới

16:02' - 08/07/2021
BNEWS Các Bộ trưởng Tài chính G20 kỳ vọng có thể kêu gọi các cường quốc ủng hộ kế hoạch đánh thuế các công ty đa quốc gia một cách công bằng hơn.
Bộ trưởng Kinh tế Italy Daniele Franco (giữa, phía xa) dự cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Tài chính G20, tại Rome, ngày 7/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kỳ vọng có thể kêu gọi các cường quốc ủng hộ kế hoạch đánh thuế các công ty đa quốc gia một cách công bằng hơn tại cuộc họp ở Venice, Italy vào hai ngày 9-10/7 tới.

Bộ trưởng Tài chính Italy Daniele Franco, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch G20, bày tỏ tự tin về việc đạt được một "thỏa thuận chính trị" ở Venice.

Ông cho rằng thỏa thuận này có thể thay đổi hoàn toàn cấu trúc thuế quốc tế hiện tại.

Trước đó, kế hoạch đã nhận được sự ủng hộ từ 131 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chiếm 90% sản lượng kinh tế toàn cầu.

Song các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục ở hậu trường để thuyết phục các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thuế suất thấp như Estonia, Hungary và Ireland, những nước đã từ chối ký thỏa thuận với OECD để áp mức thuế tối thiếu 15% lên các công ty công nghệ.

Sự ủng hộ của các quốc gia này rất quan trọng đối với EU, vì việc áp dụng mức thuế tối thiểu sẽ đòi hỏi sự đồng thuận từ tất cả quốc gia thành viên khối.

Chính sách thuế doanh nghiệp tối thiểu là một trong hai trụ cột của cuộc cải cách thuế toàn cầu.

Một trụ cột khác ít gây tranh cãi hơn là kế hoạch đánh thuế các công ty tại nơi họ tạo ra lợi nhuận thay vì chỉ đơn giản áp thuế theo nơi họ đặt trụ sở chính.

Khi chính sách thuế mới được áp dụng (mục tiêu của OECD là năm 2023), thuế kỹ thuật số quốc gia do các nước như Pháp, Italy và Tây Ban Nha áp đặt sẽ biến mất.

Tuy nhiên, EU dự kiến công bố thuế kỹ thuật số của riêng mình vào cuối tháng này để hỗ trợ tài chính cho kế hoạch khôi phục sau đại dịch COVID-19 trị giá 750 tỷ euro của họ.

Bên cạnh đó, Washington coi đây là hành động phân biệt đối xử với những “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ. Các quan chức nước này đã cảnh báo đề xuất trên có thể làm “trật bánh" các cuộc đàm phán về cải cách thuế toàn cầu.

Các cuộc đàm phán đã sa lầy trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Mỹ của Donald Trump, nhưng đã được hồi sinh khi ông Joe Biden trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.

Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã đưa ra cam kết lịch sử về vấn đề này ở London vào tháng trước.

Tuy nhiên, những cải cách này phải được nghị viện ở các quốc gia khác nhau thông qua - và đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ luôn lên tiếng phản đối mạnh mẽ chúng.

Trong khi đó, mức thuế tối thiểu được đề xuất là 15% chưa hoàn toàn chắc chắn.

Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến sẽ gây sức ép với những người đồng cấp của mình ở Venice để đàm phán nâng mức thuế lên cao hơn.

Con số cuối cùng có thể phụ thuộc một phần vào kết quả các cuộc đàm phán tại Quốc hội Mỹ về mức thuế đối với lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty nước này. Hiện chính quyền của ông Biden muốn tăng mức thuế đó từ 10,5% lên 21%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục