Mỹ cảnh báo chính sách tiền tệ của Trung Quốc

05:30' - 31/10/2018
BNEWS Sau khi đưa ra báo cáo với lời lẽ gay gắt về chính sách tiền tệ Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố để ngỏ khả năng thay đổi các quy định đánh giá hành vi thao túng tiền tệ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: AFP/TTXVN

Động thái này được cho là mở ra cơ hội để Washington liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin có chuyến công du 6 nước Trung Đông với chặng dừng chân đầu tiên là Israel.

Trả lời phỏng vấn tại Jerusalem hôm 21/10 được báo chí Malaysia dẫn lại, Steven Mnuchin đã để ngỏ khả năng thay đổi các quy định đánh giá hành vi thao túng tiền tệ. Hiện nay có 2 phương án được Steven Mnuchin đưa ra xem xét. 

Thứ nhất, sử dụng Luật Thương mại tổng hợp và cạnh tranh năm 1988 với các quy định đánh giá hành vi thao túng tiền tệ có độ co giãn lớn nhằm thay thế cho Luật Thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại năm 2015 vốn đưa ra các tiêu chuẩn mang tính định lượng để xem xét một quốc gia nào đó có thao túng tiền tệ hay không. 

Thứ hai, thay đổi các tiêu chuẩn xác định một quốc gia nào đó có phá giá đồng nội tệ để tăng khả năng cạnh tranh hay không. Động thái này được cho là sẽ mang tới cơ hội cho Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố Trung Quốc thao túng tỷ giá hối đoái trong bối cảnh người đứng đầu Nhà Trắng đang tìm kiếm đòn bẩy để cân bằng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuyên bố của Steven Mnuchin được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ trình báo cáo bán niên đánh giá chính sách tiền tệ của các đối tác lên Quốc hội. Trong báo cáo mới nhất này, Bộ Tài chính Mỹ vẫn để Trung Quốc ở danh sách các nước cần theo dõi nhằm thúc đẩy cải thiện tình hình. 

Báo cáo chưa liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, nhưng khác với các báo cáo trước, đã dành hẳn một chương để khái quát những lo ngại của Mỹ đối với tình trạng thâm hụt thương mại trong quan hệ với Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc không chịu công khai thông tin can dự vào thị trường hối đoái khiến Mỹ “cảm thấy thất vọng”. 

Theo sách lược gia chính sách ngoại hối Viraj Patel thuộc Tập đoàn Quốc tế Hà Lan (ING), về cơ bản, báo cáo bán niên đánh giá chính sách tiền tệ các đối tác của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra ngày 17/8 vừa qua là lời cảnh báo cuối cùng đối với chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

Tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và USD đang nhanh chóng trở thành quân bài mặc cả trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Trưởng bộ phận sách lược ngoại khối khu vực Bắc Mỹ Calvin Tse thuộc City Bank cũng cho rằng việc báo cáo điểm danh Trung Quốc cho thấy nếu Donald Trump và Tập Cận Bình gặp nhau vào tháng tới thì cũng không mang lại kết quả và Chính phủ Mỹ bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng gia tăng “hỏa lực” nhằm vào Trung Quốc. 

Theo Luật Thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại năm 2015 của Mỹ, một quốc gia/khu vực bị Washington xác định là nước thao túng tiền tệ cần thỏa mãn 3 điều kiện. Thứ nhất, có thặng dư thương mại lớn với Mỹ (từ 20 tỷ USD trở lên). Thứ hai, có thặng dư lớn về tài khoản vãng lai (từ 3% GDP trở lên).

Thứ ba, liên tục can dự vào tỉ giá hối đoái theo một hướng, tức là thông qua việc mua tài sản nước ngoài để phá giá đồng nội tệ và tổng lượng mua tài sản nước ngoài trong 12 tháng tương đương 2% GDP. 

Trong khi đó, Luật Thương mại tổng hợp và cạnh tranh năm 1988 chỉ quy định tiêu chuẩn nhận định một nước thao túng tiền tệ là “tồn tại thặng dư thương mại lớn với Mỹ và có thặng dư tài khoản vãng lai lớn”, mà không đưa ra tiêu chuẩn mang tính định lượng về mức thặng dư. 

Việc trừng phạt nước thao túng tiền tệ được đề cập trong Luật Hối đoái và điều phối chính sách kinh tế quốc tế năm 1988. Theo luật này, cứ 6 tháng 1 lần, Bộ Tài chính Mỹ phải trình Quốc hội báo cáo về ngoại hối. Nếu quốc gia/khu vực nào bị xác định thao túng tiền tệ, Quốc hội Mỹ sẽ thông qua nghị quyết về biện pháp trừng phạt quốc gia/khu vực đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục