Mỹ đẩy châu Âu vào thế đối đầu với Trung Quốc

06:30' - 22/12/2018
BNEWS Chiến dịch toàn cầu của chính quyền Trump chống lại gã khổng lồ viễn thông Huawei đang đặt châu Âu vào thế phải đối đầu với Trung Quốc.
Biểu tượng của khổng lồ viễn thông Huawei, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là nhận định của nhà báo Laurens Cerulus trên trang tin Politico.eu. Theo ông Cerulus, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Washington đã thúc ép các đồng minh EU thông qua các đại sứ của mình để có lập trường mạnh mẽ hơn đối với các nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE.

Một phần của chiến dịch đó có liên quan đến việc chỉ trích Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã làm điều đó ngày 12/12 vừa qua khi cáo buộc Chính phủ Trung Quốc “hack” chuỗi khách sạn Marriot và đánh cắp thông tin của khoảng 500 triệu người.

Những quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ cũng đã xác nhận với các thượng nghị sĩ nước này rằng họ cảm nhận được "sự thức tỉnh" của các đồng minh liên quan đến cách họ đối phó với các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc. Phát biểu với các thượng nghị sĩ Mỹ, Christopher Krebs - một quan chức an ninh mạng cấp cao tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói: "Khi chúng ta chuyển sang mạng 5G, điều quan trọng là sẽ dẫn đến những nguy cơ”.

Cho đến nay, chiến dịch ngoại giao của Mỹ là tìm cách thuyết phục các đối tác ở Canada, Australia, Nhật Bản và New Zealand hạn chế Huawei. Ông Krebs cho biết các đối tác Five Eyes của Mỹ "có nhận thức chung ngày càng tăng về những rủi ro này", đồng thời Washington cũng đang tiếp cận với các đồng minh quốc tế khác về vấn đề này.

Sự hối thúc của Mỹ, được đẩy lên một cấp độ mới vào ngày 12/12 với những cáo buộc công khai của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, đang phơi bày những chia rẽ giữa các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng như các thành viên của liên minh tình báo Five Eyes, trong đó có Canada, New Zealand, Australia và Anh - phần lớn theo sự lãnh đạo của Mỹ - và những nước khác chống lại áp lực của Mỹ bằng cách miễn cưỡng phản ứng công nghệ Trung Quốc. Đây được coi là một cuộc Chiến tranh Lạnh khác - lần này là về công nghệ thông tin.

Trong nhóm đầu tiên, Anh đã hối thúc Huawei mở các sản phẩm để chính phủ kiểm tra và ở một mức độ thấp hơn, các nước đồng minh như Bỉ đang xem xét các bước đề phòng các nhà cung cấp Trung Quốc. Ngay cả Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước cũng đã tranh luận về vấn đề này khi một quan chức hàng đầu tuyên bố rằng Liên minh châu Âu (EU) "nên lo lắng" về các công ty như Huawei.

Ở nhóm thứ hai, Đức muốn có bằng chứng từ Mỹ rằng Huawei đặt ra nguy cơ về an ninh, cũng như Pháp, Bồ Đào Nha và một loạt các quốc gia Trung và Đông EU. Đức khẳng định rằng các biện pháp kiểm tra an ninh của họ là đảm bảo và cho phép các nhà khai thác viễn thông chọn nhà cung cấp của họ. Các công ty viễn thông lớn nhất của Đức cho biết họ sẽ tiếp tục hợp tác với Huawei để triển khai mạng thế hệ thứ năm, hay 5G. 

Huawei tháng trước cũng đã tìm cách lôi kéo người tiêu dùng Đức đứng về phía mình, thông qua một chiến dịch quảng cáo bao gồm các câu đố liên quan đến nỗ lực của Berlin để nâng cấp mạng viễn thông của mình lên 5G. Thông điệp cơ bản là quốc gia này cần thiết bị Huawei để thực hiện quá trình chuyển đổi sang các mạng Internet thế hệ thứ năm.

Quan điểm ngày càng khác biệt cho thấy Donald Trump đang buộc các đồng minh lựa chọn đứng về phía nào trong tranh chấp toàn cầu và đánh giá lợi ích kinh tế của họ - thường gắn bó chặt chẽ với các nhà cung cấp Trung Quốc – với giá trị về an ninh trong liên minh với Washington.

Tính đến thời điểm hiện tại, không có cơ quan tình báo nào công bố bằng chứng rõ ràng rằng Huawei đã giúp chính quyền Trung Quốc tiếp cận dữ liệu truyền qua mạng của họ. Huawei đã kịch liệt phủ nhận rằng họ từng giúp bất kỳ cơ quan tình báo nào với những đề nghị làm gián điệp. 

Nhưng công ty này phải đối mặt với những nghi ngờ từ lâu rằng họ có mối quan hệ gần gũi với các cơ quan tình báo của Trung Quốc - những lo ngại xuất phát từ các báo cáo của Chính phủ Mỹ. Huawei được thành lập vào năm 1987 bởi Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, khiến một số người kết luận rằng họ vẫn giữ quan hệ với Chính phủ Trung Quốc.

Cuộc tranh luận về vai trò của Huawei ở châu Âu gắn liền với sự thay đổi địa chính trị rộng lớn hơn, khi châu Âu tìm cách kiểm soát các công nghệ và ngành công nghiệp của mình dưới khẩu hiệu “tự chủ chiến lược”. Nhưng nhìn chung, phản ứng của châu Âu đối với các mối quan ngại về Huawei là: Hãy đưa ra bằng chứng, sau đó sẽ xem xét các hành động. 

Tại các thị trường quan trọng như Đức, Pháp và Anh, những chính quyền này đã yêu cầu các cơ quan an ninh xác minh thiết bị viễn thông. Ở Anh, Huawei có một thỏa thuận lâu dài với cơ quan tình báo GCHQ để kiểm tra thiết bị của họ tại một trung tâm có tên là "Tế bào" ở Banbury, một thị trấn ở tỉnh phía Đông Nam nước Anh, nơi các chuyên gia an ninh mạng kiểm tra mã của sản phẩm.

Tuy nhiên, áp lực đối với các chính phủ EU đang tăng lên hàng tuần vì những chỉ trích công khai hơn về Huawei và những động thái này đã “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Alex Younger, Giám đốc tình báo đối ngoại của Anh đã đưa ra cảnh báo công khai khi phát biểu tại Đại học St.Andrews: "Chúng ta cần xác định mức độ quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các công nghệ này”. Nhà điều hành viễn thông chính của Anh BT cũng đã quyết định loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng lõi của mình.

Ở cấp độ EU, các quan chức EU đang tranh luận để đưa ra một phản ứng chính xác. Một báo cáo nội bộ cho thấy EC đã nhận ra những rủi ro liên quan đến việc trao quyền kiểm soát cho các nhà cung cấp nước ngoài đối với các mạng viễn thông. EC cũng đã tiến hành một nghiên cứu về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ trên mạng, có liên quan đến các nhóm tin tặc như trong báo cáo của Mỹ./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục