Mỹ: Đề xuất "thuế tỷ phú" sẽ gặp thách thức pháp lý nào?

16:15' - 28/10/2021
BNEWS Các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã đề xuất việc đánh thuế lên các tài sản có thể giao dịch của giới tỷ phú nhằm tạo nguồn tài trợ cho chương trình chi tiêu xã hội của Tổng thống Joe Biden.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ mới đây đã đề xuất về việc đánh thuế lên các tài sản có thể giao dịch của giới tỷ phú nhằm tạo nguồn tài trợ cho chương trình chi tiêu xã hội của Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, các chuyên gia thuế cho hay đề xuất này gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với các vụ kiện và thách thức pháp lý khác nhau.

* Đề xuất “thuế tỷ phú”

Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden ngày 26/10 đã công bố một dự luật áp mức thuế tối thiểu 15% đối với các tập đoàn có lợi nhuận cao nhất của Mỹ, viện dẫn khoản thuế này sẽ giúp tài trợ cho chính sách xã hội và các kế hoạch chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden.

Khoản thuế trên dự kiến nhắm vào khoảng 200 công ty có lợi nhuận trên 1 tỷ USD hàng năm trong thời gian ba năm.

Cùng với đó, ông Wyden cũng sẽ công bố mức thuế áp lên những cá nhân có tài sản chưa được thực nhận ước trị giá hơn 1 tỷ USD và ba năm liên tiếp có thu nhập hàng năm là 100 triệu USD.

Các trợ lý của Quốc hội cho biết “thuế tỷ phú” sẽ áp mức thuế 23,8% đối với thu nhập từ đầu tư dài hạn từ các tài sản có thể giao dịch của giới giàu có, cho dù những tài sản này đã được bán lại hay chưa. Song nó cũng cho phép người nộp thuế khấu trừ các tổn thất đối với tài sản.

Dự kiến, đề xuất thuế này ảnh hưởng đến khoảng 700 tỷ phú Mỹ có tài sản trên 1 tỷ USD hoặc thu nhập 100 triệu USD mỗi năm trong ba năm liên tiếp.

Nhưng đề xuất trên đã vấp phải sự phản đối từ các nghĩ sỹ đảng Dân chủ tại Hạ viện, những người muốn giữ các đề xuất trước đó liên quan đến việc tăng thuế suất đối với người giàu và các doanh nghiệp. Một số nghị sĩ cho hay họ ủng hộ áp mức thuế thu nhập tối thiểu 15% đối với các cá nhân giàu có, tương tự như mức thuế doanh nghiệp mà đảng Dân chủ đề xuất.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết rằng Tổng thống Biden ủng hộ "thuế tỷ phú" nêu trên và tin rằng nó là hợp pháp. Tuy nhiên, giới chuyên gia thận trọng rằng những đề xuất thuế này có thể phải đối mặt với các thách thức pháp lý.

*Căn cứ nào cho các thách thức pháp lý?

Một vấn đề trọng tâm là liệu Hiến pháp Mỹ có trao cho Quốc hội thẩm quyền đánh thuế của cải hay không. Những người phản đối có thể lập luận rằng lợi nhuận/tài sản chưa thực nhận không phải là thu nhập và không thể bị đánh thuế một cách hợp pháp.

Hiến pháp yêu cầu "thuế trực thu" của liên bang - là loại thuế đánh vào những người nộp thuế chứ không phải đối với hàng hóa và dịch vụ - phải được "phân bổ hợp lý" giữa các bang.

Điều đó có nghĩa là mỗi bang phải xác định một mức thuế bằng nhau trên cơ sở bình quân đầu người, tương tự như cách phân bổ ghế trong Hạ viện. Nhưng điều này là không thực tế trong trường hợp đánh thuế vào các tỷ phú, vì giới siêu giàu tập trung nhiều ở các bang như New York và California.

Tu chính án thứ 16 của Hiến pháp Mỹ đã tạo ra một ngoại lệ cho phép áp thuế thu nhập liên bang mà không cần sự phân bổ công bằng. Song không có sự miễn trừ tương tự đối với tài sản. Những người phản đối thuế tỷ phú có thể dẫn chứng điều này cho lập luận rằng Chính phủ Mỹ không thể áp một loại thuế tài sản không được phân bổ công bằng giữa các bang.

Ông David Rivkin, một đối tác tại công ty luật Baker & Hostetler ở Washington, cho biết việc áp thuế đối với thu nhập từ đầu tư chưa thực nhận không phải là đánh thuế thu nhập. Chuyên gia luật trích dẫn một trường hợp năm 1955, trong đó Tòa án Tối cao Mỹ đã định nghĩa thu nhập là “của cải, được xác định sự hiện hữu rõ ràng và thuộc toàn quyền định đoạn của người nộp thuế".

*Những ai có thể thách thức dự luật?

Chuyên gia Rivkin nói rằng, bất kỳ tỷ phú nào trong nhóm chịu điều chỉnh của dự luật đều có cơ sở để kiện bà Janet Yellen với tư cách Bộ trưởng Tài chính Mỹ để thách thức tính hợp hiến của khoản thuế này.

Song các chuyên gia cho biết có thể mất khoảng một năm để những thách thức pháp lý vượt qua quá trình kháng cáo.

Ông Rivkin nói thêm rằng, một nguyên đơn tiềm năng có thể cần phải đợi cho đến khi khoản thuế thực sự đến hạn nộp để khởi kiện. Nhưng nếu dự luật có yêu cầu lưu trữ hồ sơ ngay lập tức, một vụ kiến có thể diễn ra sớm hơn.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Erik Jensen, Giáo sư danh dự ngành luật tại Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, bang Ohio, cho biết tính hợp hiến của dự luật thuế mới sẽ bị thách thức ngay lập tức. Và phía nguyên đơn là những cá nhân có nhiều tiền để trả cho các luật sư cấp cao.

Bất kỳ thách thức nào về tính hợp hiến của dự luật đều có thể được đưa ra phân xử trước Tòa án Tối cao Mỹ, nơi các thẩm phán bảo thủ chiếm đa số ghế.

* Những lập luận nào có thể bảo vệ chính sách thuế mới?

Ngược lại, phía ủng hộ “Thuế tỷ phú” có thể lập luận rằng các luật tương tự đã xuất hiện trước đó.

Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden, tác giả của đề xuất này cho hay khoản thuế là một biện pháp "hợp pháp" để khắc phục một "lỗ hổng rõ ràng". Ông Wyden lưu ý rằng có một điều khoản trong luật thuế của Mỹ cho phép một số người nộp thuế coi các khoản thu nhập từ đầu tư chưa thực nhận là một loại thu nhập, ngay cả khi họ chưa bán những loại tài sản này.

Ngoài ra, một báo cáo công bố năm 2019 do ông David Kamin, hiện là Cố vấn chính sách thuế của Nhà Trắng, đồng tác giả cho hay Chính phủ Mỹ đã đánh thuế một số khoản lợi nhuận tích lũy, bao gồm các giao dịch trái phiếu và thu nhập thụ động mà người dân Mỹ kiếm được từ các tập đoàn nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục