Mỹ: Lạm phát giảm sẽ giúp “trấn an” Fed

15:55' - 21/07/2024
BNEWS Triển vọng giảm lãi suất của Fed sẽ là chủ đề nóng trong tuần tới, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đón nhận tín hiệu lạm phát hạ nhiệt, trong khi hoạt động kinh tế đang chững lại.

Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) không tính lương thực và năng lượng của tháng 6/2024 – dự kiến được công bố ngày 26/7 – sẽ tăng 0,1% trong tháng thứ hai liên tiếp. Nếu kỳ vọng này là đúng thì lạm phát lõi của Mỹ trong ba tháng từ tháng 3-6/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm 2024, và ở dưới ngưỡng mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

 

Các chuyên gia dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II/2024 đạt 1,9%, sau khi chỉ đạt 1,4% trong ba tháng đầu năm. Đây sẽ là hai quý liên tiếp kinh tế Mỹ ghi nhận hoạt động chậm nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Điều này, kết hợp với một thị trường việc làm và tăng trưởng tiền lương vừa phải, tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách của Fed bắt đầu nới lỏng.

Fed sẽ họp vào ngày 30-31/7 tới, nhưng các nhà đầu tư đánh giá khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp này là rất thấp. Họ cho rằng thể chế nước Mỹ sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tháng 9, với mức giảm 25 điểm cơ bản.

Chuyên trang về kinh tế Bloomberg Economics nhận định: “Dữ liệu về chỉ số PCE của tháng Sáu có thể sẽ là tin tức đáng khích lệ đối với Fed… Với việc thị trường lao động hạ nhiệt, tăng trưởng thu nhập cá nhân chậm lại và người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng hơn trong thói quen chi tiêu, chúng tôi nghĩ rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra vào tháng Chín”.

Tuần tới, thị trường sẽ đón nhận các báo cáo về doanh số bán nhà mới và nhà đã qua sở hữu của tháng Sáu. Các chuyên gia kinh tế dự đoán số lượng nhà mua mới sẽ tăng vừa phải, trong khi lượng giao dịch nhà đã qua sở hữu sẽ ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp.

Báo cáo về số lượng đơn đặt hàng hóa lâu bền trong tháng Sáu cũng được dự báo sẽ cho thấy lượng đặt hàng thiết bị kinh doanh đã trở nên ảm đạm do chi phí vay cao hạn chế hoạt động đầu tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục