Mỹ Latinh có thể đón "Giáng Sinh buồn" vì thiếu đồ chơi

07:10' - 01/12/2021
BNEWS Với tác động của cuộc khủng hoảng container bắt nguồn từ Trung Quốc do đại dịch COVID-19, Mỹ Latinh có thể đón "Giáng Sinh buồn" vì thiếu đồ chơi.

Trước tình trạng thiếu nguồn hàng và giá cả leo thang trong mùa Giáng Sinh, nhiều nhà cung cấp phải chọn nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ, trong khi số khác lại quảng bá những thương hiệu tương tự kém tên tuổi nhưng "giá mềm" hơn.

Thời điểm trước Giáng Sinh cũng là mùa cao điểm mua sắm quà tặng. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng container có thể gây ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến những mặt hàng thường được chọn làm quà tặng, trong đó phần lớn xuất xứ từ châu Á, như điện thoại di động, máy chơi trò chơi điện tử và đồ chơi.

Vấn đề này cũng đang làm đau đầu các nhà nhập khẩu tại Mỹ Latinh, do họ không chỉ đối mặt với chi phí vận chuyển leo thang, mà cả nguy cơ các lô hàng không đến kịp mùa mua sắm.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Ngoại thương Quốc gia Colombia Javier Díaz, do các chuyến tàu không còn cập cảng thường xuyên như trước, mỗi chuyến hàng phải mất từ 3-4 tuần mới đến nơi.

Theo ông Díaz, tình trạng này sẽ gây khan hiếm nhiều sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng đồ chơi và đồ trang trí Giáng Sinh.

Tại Peru, nhiều nhà nhập khẩu và bán lẻ đã công khai cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng logistics sẽ khiến các lô hàng đồ chơi từ Trung Quốc không thể cập cảng đúng hạn.

Theo ước tính của Hiệp hội Hàng hải Peru, nếu như trước đây các tàu chở hàng đi tuyến Thượng Hải-Callao-Thượng Hải chỉ mất 60 ngày, giờ đây hành trình tương tự phải mất hơn 90 ngày.

Không những thế, Hiệp hội Nhập khẩu Peru cho biết chi phí vận chuyển một container hàng hóa từ Trung Quốc đến quốc gia này có thể lên tới 15.000 USD, tăng 5 lần so với thời điểm trước đại dịch.

“Cái khó ló cái khôn”, trước tình hình khó khăn hiện tại các nhà nhập khẩu và bán lẻ đã xoay sở tìm giải pháp để vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm nguồn cung cho mùa mua sắm cuối năm, trong đó có chuyển sang nhập khẩu từ Mỹ.

Theo Roberto Díaz, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu quy mô vừa của Peru, mặc dù đồ chơi sản xuất ở Mỹ đắt hơn hàng Trung Quốc, nhưng bù lại có thể tiết kiệm tới 20% cước vận chuyển, do đó đây vẫn là một phương án thay thế hấp dẫn.

Còn tại Argentina, nhiều nhà cung cấp đã lên tiếng cảnh báo khả năng khan hiếm một số thương hiệu nổi tiếng như Barbie, Fisher Price, Playmobil hay Lego, và giá những mặt hàng này có thể tăng từ 50-70%.

Trước tình trạng khan hàng và giá cả tăng vọt, nhiều nhà bán lẻ đã chào mời người tiêu dùng những sản phẩm tương tự từ những thương hiệu kém nổi và giá rẻ hơn.

Một trong những ví dụ tiêu biểu là những bản sao búp bê Barbie “thân thiện với túi tiền” được bày bán tại nhiều cửa hàng đồ chơi ở thủ đô Buenos Aires./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục