Mỹ Latinh: Tỷ lệ người dân nghèo đói cao nhất trong hai thập kỷ

13:28' - 25/05/2021
BNEWS Tỷ lệ người dân sống dưới mức nghèo đói tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe hiện đang ở mức 12,5% dân số, mức cao nhất ghi nhận được tại khu vực này trong vòng hai thập kỷ qua.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, tỷ lệ người dân sống dưới mức nghèo đói tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe hiện đang ở mức 12,5% dân số, mức cao nhất ghi nhận được tại khu vực này trong vòng hai thập kỷ qua.

Báo cáo tập hợp những số liệu từ nhiều tổ chức quốc tế và cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ) và được công bố ngày 24/5 này cho biết tỷ lệ người dân không được đáp ứng nhu cầu thiết yếu về lương thực trong năm 2020 tiếp tục tăng cao tại khu vực có mức độ chênh lệch giàu nghèo lớn nhất thế giới này.

Tỷ lệ này ở Honduras là 26,1%, tiếp đến là Mexico (18,3%) và Ecuador (12,8%). Nguyên nhân chung là do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của LHQ (ECLAC) nhận định xu hướng này cũng song hành với tình trạng các chỉ số về bất bình đẳng và thất nghiệp, đặc biệt là ở nữ giới, tăng cao tại khu vực.

Thực tế này là rất đáng lo ngại bất chấp những biện pháp và các gói ngân sách bảo trợ xã hội mà nhiều nước áp dụng nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực từ đại dịch.

ECLAC cũng cảnh báo về tình trạng gia tăng nợ công tại Mỹ Latinh khi đa phần các nước cấp tín dụng cho các quỹ khẩn cấp về y tế trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước, trong bối cảnh hoạt động kinh tế tại khu vực giảm 7,7% trong năm 2020.

Về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp chung của khu vực trong năm ngoái ở mức 10,7% số người trong độ tuổi lao động, tăng 2,6% so với mức của năm 2019.

Một trong những yếu tố làm tăng nhanh tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ Latinh là khả năng làm việc từ xa kém, khi chỉ có 21,3% số người lao động có thể thực hiện công việc chuyên môn tại nhà trong bối cảnh các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội được áp dụng.

Các nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại khu vực là Peru (39,5%),  Colombia (21,8%), Argentina (20,9%) và Costa Rica (20,1%)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục