Mỹ mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Facebook

15:52' - 07/09/2019
BNEWS Giới chức tư pháp ở nhiều bang của Mỹ mới đây thông báo đã mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với “người khổng lồ” mạng xã hội Facebook.
Biểu tượng Facebook tại Menlo Park, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới quan sát nhận định đây mới là bước đầu tiên trong “làn sóng” kiểm soát sự thống trị của các công ty công nghệ lớn (Big Tech) trên nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của Chính phủ Mỹ.

Ngày 6/9, Tổng chưởng lý bang New York, bà Letitia James đã thay mặt 7 bang khác và quận Columbia ra tuyên bố thông báo về cuộc điều tra trên.

Động thái này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ đưa ra một hành động chống độc quyền chính thức nhằm vào một trong những "đại gia" công nghệ lớn nhất trên thế giới.

Bà James cho biết sẽ sử dụng mọi công cụ điều tra để xác minh liệu các hành động của Facebook có gây nguy hiểm cho dữ liệu của khách hàng cũng như làm tăng giá quảng cáo hay không.

Tham gia điều tra có các tổng chưởng lý các bang gồm Colorado, Florida, Iowa, Nebraska, Carolina Bắc, Ohio và Tennessee.

Theo ông Michael Carrier, Giáo sư chuyên về luật chống độc quyền tại Đại học Rutgers, cuộc điều tra mới cho thấy mức độ “khó chịu” với các công ty công nghệ lớn đã vượt ra ngoài Quốc hội Mỹ và lan rộng ra các cơ quan chính phủ liên bang và chính phủ của từng bang.

Tuy nhiên, ông Eric Goldman, Giám đốc Viện Luật Công nghệ cao tại Đại học Santa Clara cho biết cơ sở pháp lý cho một vụ kiện chống độc quyền vẫn chưa rõ ràng.

Theo ông Goldman, hiện vẫn chưa rõ ràng hiện liệu các tổng chưởng lý có lý do phù hợp nào cho các khiếu nại của họ hay không.

Hoặc liệu họ có đang thực hiện một cuộc điều tra mạo hiểm với hy vọng tìm thấy một số bằng chứng hay không.

Ông Goldman chỉ ra rằng các công ty lớn như Google hay Facebook có thể phạm phải một số vấn đề nhỏ mà các tổng chưởng lý hoàn toàn có thể nhắm vào.

Nhưng chuyên gia này vẫn chưa thấy bằng chứng nào đủ lớn để củng cố thêm những yêu cầu thay đổi cấu trúc đối với hoạt động của các “gã khổng lồ” Internet.

Ngoài Facebook, Google cũng đang bị đưa vào “tầm ngắm” sau khi có thông tin một số bang khác, dẫn đầu bởi Texas, cũng đang thành lập một liên minh để khởi động cuộc điều tra chống độc quyền riêng.

Cuộc điều tra dự kiến sẽ về vấn đề liệu các công ty công nghệ lớn có hành vi cản trở cạnh tranh, hạn chế khả năng tiếp cận và gây hại cho người tiêu dùng hay không.

Giáo sư ngành luật Maurice Stucke thuộc Đại học Tennessee cho biết ông hy vọng một trong những lĩnh vực sẽ được điều tra là thị trường quảng cáo trực tuyến, vốn bị chi phối bởi Google và Facebook.

Ông Stucke cho rằng đây sẽ là một lĩnh vực quan trọng trong cuộc điều tra vì nó từ lâu đã bị chỉ trích là không minh bạch.

Ông Stucke cũng nhận định các cuộc điều tra có thể tiến xa hơn bằng cách xem xét cách thức các công ty công nghệ kiểm soát dữ liệu và nghiên cứu chi tiết những điểm giao nhau giữa luật cạnh tranh và quyền riêng tư của người dùng.

Hai tên tuổi lớn khác là Amazon và Apple cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc điều tra này. Giới quan sát đã nhiều lần phàn nàn rằng vị thế của Amazon trong ngành bán lẻ trực tuyến là quá lớn, còn Apple có thể gây bất lợi cho các đối thủ tham gia cung cấp dịch vụ cạnh tranh với họ trên nền tảng cửa hàng ứng dụng App Store.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng vụ kiện chống lại các công ty công nghệ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Bởi lẽ trong nhiều trường hợp, các công ty trên đã cung cấp dịch vụ miễn phí và giúp hạ giá dịch vụ xuống, khiến các nhà lập pháp khó có thể chứng minh rằng họ đã làm tổn hại quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhưng Giáo sư Stucke cho rằng sẽ là sai lầm khi coi luật chống độc quyền chỉ tập trung vào giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Luật này hoàn toàn có thể áp dụng cho các vấn đề về tính cạnh tranh và sự đổi mới sáng tạo. Chuyên gia này dự đoán các cuộc điều tra có thể kết thúc với một loạt các kết quả khác nhau, bao gồm đóng tiền phạt, hạn chế về hoạt động hoặc buộc các công ty này phải phân tách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục