Mỹ mở đường cho Rusal tuân thủ các lệnh trừng phạt

05:30' - 06/05/2018
BNEWS Bộ Tài chính Mỹ thông báo các khách hàng của United Company Rusal Plc ở Mỹ có thời hạn đến ngày 23/10, thay vì 5/6, để dần chấm dứt các giao dịch với tập đoàn này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP/TTXVN

Như vậy, Mỹ đã cho các khách hàng của Rusal thêm thời gian để tuân thủ các lệnh trừng phạt, đồng thời cho biết sẽ cân nhắc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này nếu cổ đông lớn của tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất nước Nga, “vua nhôm” Oleg Deripaska, từ bỏ quyền kiếm soát công ty này.
Sau khi thông báo này được đưa ra, giá nhôm trên Sàn giao dịch kim loại London giảm 8,7%.
Giá nhôm trước đó đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2011 do những lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung nhôm trên thị trường toàn cầu, sau khi Mỹ ban hành các lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế của các doanh nghiệp của “ông trùm” Deripaska, nhằm đáp trả lại cái mà Washington cho là “những hành vi ác ý” của Nga.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng Rusal đã nhận thấy tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ vì có dính líu đến Oleg Deripaska, nhưng Chính phủ Mỹ sẽ không đánh lây sang các thể chế ở bên ngoài nước Mỹ có làm ăn với Rusal và những công ty con của tập đoàn này.
Như vậy, Rusal giờ đây đã có thêm thời gian để giải quyết lượng hàng của mình, và kể cả khi các lệnh trừng phạt này không được dỡ bỏ thì người mua cũng có thời gian để tìm các nguồn cung cấp khác.
Các chuyên gia phân tích của Wood Mackenzie nhận định rằng thông báo nói trên của Bộ Tài chính Mỹ đã mở ra một lối thoát cho thị trường nhôm, và giá kim loại này sẽ có những biến động trong thời gian tới.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Edward Meir của công ty INTL FCStone cho rằng Rusal giờ đây đã có “đường sống” và 5 triệu tấn sản lượng của tập đoàn này có khả năng được giải phóng dù chỉ trước đây còn được xem là một quả bom nổ chậm.
Ông Oleg Petropavlovsky, một chuyên gia phân tích cấp cao của công ty BCS Global Markets cho biết ông Deripaska hiện đang nắm giữ 48% cổ phần của Rusal và nắm quyền kiểm soát tập đoàn này thông qua thỏa thuận cổ đông với các cổ đông khác.
Chuyên gia này cho biết hiện không rõ là liệu việc hủy bỏ thỏa thuận cổ đông này có thể đáp ứng điều kiện của phía Mỹ hay không. Trong khi đó, Rusal từ chối bình luận về thông báo nói trên của Bộ Tài chính Mỹ. Điện Kremlin và bản thân ông Deripaska cũng chưa lên tiếng về vấn đề này.
Giới lãnh đạo châu Âu đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong đó Tổng thống Pháp cũng đã có chuyến thăm Nhà Trắng. Các nguồn tin từ nước Pháp cho biết Washington đã có những phản ứng ban đầu “mang tính xây dựng”. Bộ trưởng Mnuchin cũng cho biết những ảnh hưởng đối với các đối tác và đồng minh của Mỹ sẽ được cân nhắc để có thể đưa ra một lệnh ân xá.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục