Mỹ: Nhập khẩu cao kỷ lục gây áp lực lên thâm hụt thương mại

12:54' - 06/02/2025
BNEWS Nhập khẩu tăng đột biến lên mức kỷ lục khiến thâm hụt thương mại tháng 12/2024 của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022.

Sự gia tăng này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế, động thái có thể đã thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường mua hàng hóa sản xuất ở nước ngoài như kim loại thành phẩm và máy tính.

 

Theo báo cáo từ Bộ Thương mại công bố ngày 5/2, Mỹ ghi nhận thâm hụt đáng kể với nhiều đối tác thương mại, bao gồm Trung Quốc, Mexico và Canada, những quốc gia mà chính quyền Tổng thống Trump đã nhắm mục tiêu áp thuế rộng rãi hoặc bổ sung.

Ngày 3/2, Tổng thống Trump đã tạm đình chỉ áp thuế 25% đối với hàng hóa Mexico và Canada cho đến tháng 3/2025. Tuy nhiên, mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc vẫn có hiệu lực từ ngày 4/2. Mặc dù chính quyền ông Trump đưa ra những lý do khác cho việc áp thuế như kiểm soát nhập cư và ma túy, song thâm hụt thương mại gia tăng có thể được họ sử dụng như một bằng chứng để biện minh cho việc áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại.

Ông Thomas Ryan, nhà kinh tế Bắc Mỹ tại Capital Economics, nhận định nhập khẩu tăng phần lớn do các doanh nghiệp đẩy nhanh đơn đặt hàng trước khi các mức thuế có hiệu lực. Xu hướng này khó có thể đảo ngược trong thời gian ngắn, vì vẫn còn rủi ro áp thuế 25% đối với Mexico và Canada vào tháng tới. Mặc dù dữ liệu khảo sát cho thấy xuất khẩu sẽ sớm phục hồi, điều này cho thấy thâm hụt thương mại sẽ vẫn ở mức cao trong quý này.

Cục Phân tích kinh tế (BEA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại đã tăng 24,7% lên 98,4 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022, so với mức 78,9 tỷ USD đã điều chỉnh trong tháng 11/2024. Đây là mức thâm hụt lớn thứ hai được ghi nhận và mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2015.

Trong khi đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo thâm hụt thương mại sẽ tăng lên 96,6 tỷ USD. Thâm hụt thương mại đã tăng 17% lên 918,4 tỷ USD trong năm 2024, mức lớn nhất kể từ năm 2021.

Nhập khẩu đã tăng 3,5% lên mức cao kỷ lục 364,9 tỷ USD. Trong khi xuất khẩu giảm 2,6% xuống 266,5 tỷ USD.

Ông Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Santander U.S. Capital Markets, cho rằng sự tăng vọt thâm hụt thương mại trong tháng 12/2024 có thể chỉ là một sự kiện đơn lẻ và thâm hụt sẽ giảm trong tháng 1/2025. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng dự đoán này sẽ không chính xác nếu các doanh nghiệp đã nhập khẩu ồ ạt hàng hóa trong tháng Một để tránh thuế quan sắp tới. Ông đang đặt câu hỏi liệu việc "nhập khẩu trước để tránh thuế" có thực sự là nguyên nhân chính thúc đẩy sự tăng vọt thâm hụt trong tháng 12 vừa qua hay không.

Một cuộc khảo sát từ Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho thấy các doanh nghiệp dịch vụ lo ngại về giá cả cao hơn và tình trạng thiếu hụt đầu vào do thuế quan trong tháng 1/2025. Một số nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, khoa học và kỹ thuật báo cáo rằng "mối đe dọa về thuế quan đang khiến giá cả tăng lên", đồng thời nói thêm rằng "mối đe dọa về thị trường quốc tế không ổn định đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt đối với các vật liệu khác nhau".

Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực phi chế tạo của ISM đã giảm xuống 52,8 trong tháng 1/2025, so với mức 54 trong tháng 12/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục