Mỹ: Nỗi lo lạm phát “phủ bóng” triển vọng lễ mua sắm Black Friday

21:35' - 25/11/2022
BNEWS Mỹ: Nỗi lo lạm phát “phủ bóng” triển vọng lễ mua sắm Black Friday

Các nhà bán lẻ Mỹ đang chuẩn bị cho thử thách lớn nhất trong năm: Liệu người tiêu dùng nước này có mở rộng hầu bao cho đợt giảm giá Black Friday (Thứ Sáu Đen) mở đầu cho mùa mua sắm cuối năm diễn ra vào thứ Sáu tuần này (25/11 theo giờ địa phương)?

Hiện niềm tin của người tiêu dùng Mỹ hiện rất bấp bênh do tình trạng lạm phát tăng vọt ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, tạo ra sự không chắc chắn cho mùa mua sắm lễ hội bắt đầu một ngày sau ngày lễ Tạ ơn hôm thứ Năm (24/11).

* Tình hình đảo ngược

Cách đây một năm, các nhà bán lẻ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt sản phẩm do hoạt động vận chuyển đình trệ và các đợt đóng cửa nhà máy liên quan đến dịch COVID-19. Để ngăn chặn điều tương tự lặp lại, ngành bán lẻ đã đặt hàng sớm cho kỳ nghỉ lễ năm nay.

 

Tuy nhiên, điều đó lại khiến các nhà bán lể dễ rơi vào tình trạng cung vượt cầu vào thời điểm người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu.

Ông Neil Saunders, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn GlobalData Retail cho biết thiếu hụt nguồn cung là vấn đề đã cũ – ngược lại, vấn đề của ngày nay là các nhà bán lẻ có quá nhiều hàng để bán.

Theo ông Saunders, các nhà bán lẻ đã ghi nhận cải thiện trong việc giảm lượng hàng tồn kho dư thừa vào những tháng gần đây. Nhưng tình trạng cung vượt cầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người săn hàng giá rẻ trong nhiều danh mục, bao gồm đồ điện tử, đồ nội thất và quần áo.

Chi phí cao hơn đối với xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu như thịt và ngũ cốc là một vấn đề của toàn bộ nền kinh tế, nhưng chúng không gây gánh nặng giống nhau cho tất cả mọi người.

Bà Claire Li, nhà phân tích cao cấp tại hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cho biết những người có thu nhập thấp hơn chắc chắn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phi mã. Vì mọi người đều phải mua sắm các mặt hàng thiết yếu, giá cả tăng cao sẽ khiến những người tiêu dùng có hầu bao hạn chế chần chừ chi tiêu ngay cả trong mùa giảm giá.

Các dự báo hàng đầu từ hãng kiểm toán Deloitte và Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) dự báo mức tăng trưởng doanh số bán của Black Friday năm nay tính theo phần trăm chỉ ở mức một con số, nhiều khả năng sẽ không vượt quá tỷ lệ lạm phát.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng Mỹ đã tăng khoảng 8% trên cơ sở hàng năm. Điều này đồng nghĩa doanh số bán hàng năm nay dù ghi nhận mức tăng ở quy mô tương tự năm ngoái, khối lượng sẽ ở mức thấp hơn.

* “Tấm đệm” tiền tiết kiệm thu hẹp dần

Người mua sắm ở Mỹ vẫn tỏ ra kiên cường trong suốt giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành. Họ thậm chí còn chi tiêu nhiều hơn dự kiến, ngay cả khi các cuộc khảo sát về tâm lý người tiêu dùng cho thấy trong tâm trạng đang khá u ám.

Một phần lý do là nhờ khoản tiết kiệm cao bất thường của người tiêu dùng. Nhiều hộ gia đình đã gửi các khoản hỗ trợ tài chính trong mùa dịch của chính phủ vào ngân hàng khi hoạt động tiêu dùng tổng thể giảm do các hạn chế nghiêm ngặt để phòng COVID-19 .

Nhưng “tấm đệm” đó đang biến mất dần. theo hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's, các khoản tiết kiệm dư dôi của người dân Mỹ đã giảm xuống còn 1.700 tỷ USD trong quý II/2023, sau khi đạt 2.500 tỷ USD vào giữa năm 2021.

Cũng theo số liệu từ Moody’s, nhóm người tiêu dùng có thu nhập dưới 35.000 USD chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Khoản tiết kiệm của họ đã giảm gần 39% trong khoảng thời gian từ quý IV/2021 đến giữa năm 2022.

Đi kèm với sự sụt giảm tiết kiệm là tình trạng nợ thẻ tín dụng gia tăng. Điều này được thể hiện qua số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như được đề cập ngẫu nhiên trong báo cáo của các chuỗi bán lẻ rằng số giao dịch được thực hiện bằng phiếu thực phẩm có xu hướng tăng.

Một cuộc khảo sát với gần 1.700 người tiêu dùng Mỹ do công ty cung cấp thông tin tài chính  S&P Global Market Intelligence thực hiện cho thấy, 26% số người được hỏi muốn chi tiêu ít hơn trong mùa lễ này, 66% cho biết họ sẽ chi tiêu gần bằng số tiền năm ngoái. Chỉ 7% nói rằng họ sẽ chi tiêu nhiều hơn.

* Những tín hiệu trái chiều

Báo cáo thu nhập từ các chuỗi bán lẻ trong những ngày gần đây đã vẽ nên một bức tranh đa sắc màu về “sức khỏe” người tiêu dùng.

Target đứng ở nhóm ghi nhận xu hướng giảm khi chỉ ra sự sụt giảm mạnh trong hoạt động mua sắm vào cuối tháng 10/2022. Theo chuỗi này, điều đó có khả năng báo hiệu một mùa lễ hội mua sắm yếu. Giám đốc điều hành Brian Cornell cho biết Target dự kiến sẽ đưa ra rất nhiều rất khuyến mại trong mùa mua sắm cuối năm nay.

Trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh, ông Cornell nhấn mạnh rất nhiều khách hàng đang phải đối phó với tình trạng lạm phát cao trong nhiều quý liên tiếp. Nhóm khách hàng này sẽ mua sắm rất cẩn thận với ngân sách hạn chế, vì vậy họ sẽ tìm kiếm những món hàng có mức giảm giá cao với giá trị lớn.

Ngoài Target, Macy's, Walmart và Best Buy cũng đưa ra nhận định tương tự rằng họ sẽ cần giảm giá sâu hơn cho các đợt lễ mua sắm tháng 11 và tháng 12 năm nay so với hai năm trước. Sự điều chỉnh này do người tiêu dùng trì hoãn việc mua hàng.

Như với Walmart, chuỗi bán lẻ đã tăng cường tiếp thị cho kỳ nghỉ lễ, mua thêm không gian quảng cáo trên các nền tảng Twitter, Instagram, trong các trận đấu của Giải bóng bầu dục quốc gia và trên các bảng quảng cáo gần Ga Penn của Thành phố New York. Với hoạt động này, Walmart hy vọng thu hút khách hàng mua sắm sớm và thường xuyên hơn trước Black Friday.

Nhưng Lowe's, một chuỗi cửa hàng lớn khác của Mỹ chuyên về sản phẩm nội thất cải thiện nhà cửa, lại đưa ra một quan điểm rất khác. Công ty mô tả giai đoạn cuối tháng 10/2022 là “mạnh mẽ" và không thấy bằng chứng nào về sự suy thoái chi tiêu của khách hàng.

Ông Marvin Ellison, Giám đốc điều hành của Lowe's cho biết: "Chúng tôi không thấy bất cứ điều gì có cảm giác hoặc trông giống như sự sụt giảm thương mại hoặc sự thoái lui của người tiêu dùng"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục