Mỹ phản đối Trung Quốc cản trở hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông

10:40' - 21/07/2019
BNEWS Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông... là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực.
 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 10/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo AFP, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/7 đã bày tỏ quan ngại về những thông tin rằng Trung Quốc đang cản trở hoạt động dầu khí của các nước khác ở Biển Đông, chỉ trích Bắc Kinh có hành động động khiêu khích và gây bất ổn tại vùng biển này.

Trong một thông cáo, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để hăm dọa, cưỡng ép, và đe dọa các quốc gia khác, là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực.

Theo bà: "thông qua việc phong tỏa sự phát triển ở Biển Đông bằng các biện pháp ép buộc, Trung Quốc đã ngăn cản các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp cận hơn 2,5 nghìn tỷ USD từ trữ lượng năng lượng có thể khai thác được"'. 

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định những hành động như vậy của Trung Quốc đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những hành động này đang can thiệp vào việc thăm dò và sản xuất dầu mỏ cũng như khí đốt mà các nước đã tiến hành từ lâu, đặc biệt là của Việt Nam. 

Trước đó, ngày 19/7, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến diễn biến ở khu vực Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. 

Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.

Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam...

Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982."/.

>>> Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm trên vùng biển của Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục