Mỹ thông qua Đạo luật về quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên

10:50' - 13/02/2019
BNEWS Thượng viện Mỹ ngày 12/2 đã thông qua Đạo luật về quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm gia tăng biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trước các hoạt động khai mỏ và xâm lấn.
Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật về quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ảnh: TTXVN

Thượng viện Mỹ ngày 12/2 đã thông qua Đạo luật về quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, theo đó đưa ra quy định mới và gia tăng biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trước các hoạt động khai mỏ và xâm lấn trên một diện tích khoảng 810 ha, mở rộng 8 công viên quốc gia, các khu di tích lịch sử và bổ sung thêm các công trình cấp quốc gia và khu vực di sản.

Trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, Đạo luật về quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói trên đã nhận được 98 phiếu thuận và 2 chống.

Sự kiện này đánh dấu thắng lợi lớn đầu tiên của các nhà bảo vệ môi trường thiên nhiên trong suốt 2 năm qua sau những chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhờ đạo luật mới, môi trường sống hoang dã của một số loài từ cá hồi đến cừu sừng lớn sẽ được hưởng quy chế bảo vệ mới và một quỹ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng được đảm bảo duy trì trong dài hạn sau khi bị chính quyền cắt bỏ hoàn toàn tài trợ vào năm 2018.

Đáng chú ý, Đạo luật trên tước bỏ quyền khai mỏ tại các khu vực gần Công viên quốc gia Yellowstone ở bang Wyoming. 

Tại bang California, các công viên Joshua Tree và Death Valley cũng được mở rộng để mở thêm tuyến đường di chuyển cho động vật hoang dã trong khuôn viên rừng được bảo vệ.

Đạo luật cũng đưa ra một số quy định bảo vệ khu vực thổ dân Mỹ và mở rộng khu vực cho phép săn bắn và đánh bắt cá. Tuy nhiên, Đạo luật này cần được Hạ viện Mỹ thông qua trước khi có hiệu lực.

Kể từ sau khi nhậm chức tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump bắt đầu xóa bỏ nhiều quy định bảo vệ các vùng đất công mà chính quyền của người tiền nhiệm thực thi.

Ông Trump cũng đã có nhiều động thái hướng tới mở cửa các khu công viên hoang dã quốc gia Bắc cực được bảo tồn phục vụ khai thác dầu mỏ, cân nhắc kế hoạch chuyển giao 2 công trình di tích ở Utar để khai mỏ, cắt giảm các quy định bảo vệ sông, biển và tìm cách tăng giá vé vào cửa các công viên quốc gia.

Chính sách này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nhà bảo vệ môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục