Mỹ: Tiktok đề nghị thẩm phán chặn lệnh cấm ứng dụng tại bang Montana

16:24' - 06/07/2023
BNEWS Ngày 5/7, mạng xã hội TikTok đã yêu cầu một thẩm phán Mỹ ngăn chặn chính quyền bang Montana thực hiện lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video này trước khi có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Cụ thể, TikTok đã yêu cầu Thẩm phán Tòa án quận, ông Donald W.Molloy, ban hành phán quyết sơ bộ ngăn chặn Montana trở thành bang đầu tiên thực hiện lệnh cấm ứng dụng này.

 

TikTok lập luận rằng lệnh cấm vi phạm quyền tự do ngôn luận của công ty và người dùng theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ, cũng như Điều khoản Thương mại của Hiến pháp. Điều khoản này giới hạn thẩm quyền của các bang trong việc ban hành luật ảnh hưởng đến thương mại quốc tế và liên bang.

Trong đơn kháng nghị, Chủ tịch phụ trách giải pháp kinh doanh toàn cầu của TikTok, ông Blake Chandlee, nhấn mạnh lệnh cấm của bang Montana sẽ tổn hại đáng kể đến thương hiệu cũng như hoạt động ứng dụng, làm xấu đi quan hệ giữa bên quảng cáo với các đối tác kinh doanh tại Mỹ và trên toàn thế giới.

Tổng Chưởng lý bang Montana, ông Austin Knudsen, chịu trách nhiệm thực thi phán quyết trên của chính quyền bang Montana. Tuy nhiên, văn phòng ông Knudsen hiện chưa đưa ra bình luận về các thông tin trên.

Tháng 5 vừa qua, Thống đốc bang Montana Greg Gianforte đã ký ban hành luật cấm TikTok. Với lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, Montana đã trở thành bang đầu tiên tại Mỹ chặn tải ứng dụng video ngắn phổ biến nhất thế giới này.

Theo đó, nền tảng này sẽ bị phạt 10.000 USD mỗi lần vi phạm nếu người dùng có thể truy cập, được phép truy cập hoặc tải xuống TikTok, đồng thời có thể bị phạt thêm 10.000 USD/ngày nếu không tuân thủ.

Tại Mỹ, hơn 150 triệu người dùng TikTok. Trong đó, ước tính 380.000 người tại bang Montana sử dụng ứng dụng chia sẻ video ngắn này, chiếm hơn 30% dân số của bang.  Ngày càng có nhiều nhà lập pháp Mỹ kêu gọi cấm Tiktok trên toàn quốc.

TikTok cũng đang chịu nhiều áp lực giám sát từ các cơ quan quản lý trên thế giới do lo ngại công ty này lạm dụng dữ liệu người dùng.

Các nước như Anh và New Zealad đã cấm sử dụng ứng dụng này trên các điện thoại của cơ quan nhà nước. Trong khi đó, TikTok nhiều lần bác bỏ cáo buộc trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục