Mỹ-Trung bước vào đàm phán các vấn đề thương mại gai góc

11:25' - 31/07/2019
BNEWS Sáng 31/7, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 2, trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) tại vòng đàm phán thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Cuộc đàm phán diễn ra tại thành phố Thượng Hải (Shanghai, Trung Quốc) nhằm tìm giải pháp tháo gỡ cuộc chiến thương mại kéo dài một năm qua giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

Trước đó, chiều 30/7, phái đoàn Mỹ đã tới thành phố Thương Hải và tham dự bữa tối làm việc với phái đoàn Trung Quốc tại khách sạn Fairmont Peace, tuy nhiên không tiết lộ thông tin với truyền thông. 

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đưa ra cảnh báo Trung Quốc không nên đợi tới khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình mới ký kết một thỏa thuận thương mại bởi nếu ông đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 thì mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại cuộc đàm phán thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Trong hơn 1 năm qua, hai bên đã tiến hành 11 vòng đàm phán thương mại cấp cao. Vòng đàm phán gần đây nhất (hồi tháng 5) đã đổ vỡ, với việc Washington cáo buộc Bắc Kinh đổi ý về những cam kết giữa hai bên, theo đó phía Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được xây dựng sau 10 vòng đàm phán.

Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 đã áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25%, đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Ông chủ Nhà Trắng còn cảnh báo áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD. Đáp lại, từ ngày 1/6, Trung Quốc đã tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Thế bế tắc trong đàm phán được khai thông khi Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hai nhất trí "đình chiến thương mại" tại một cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu nhất thế giới (G20) ở Osaka (Ô-xa-ca, Nhật Bản) tháng 6 vừa qua, mở đường cho cuộc đàm phán trực tiếp này.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết vòng đàm phán này sẽ gồm nhiều vấn đề gai góc như sở hữu trí tuệ, áp đặt chuyển giao công nghệ, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại và thực thi pháp luật.

Trước thềm vòng đàm phán mới, phía Trung Quốc bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết của mình và tạo điều kiện tích cực cho vòng đàm phán này, trong khi đó Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nhận định việc hai bên nối lại đàm phán thương mại đang bế tắc là "dấu hiệu tốt", đồng thời bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ sớm thu mua lại nông sản của Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục