Mỹ - Trung thảo luận về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào ngày 15/8

20:09' - 14/08/2020
BNEWS Theo dự kiến, ngày mai 15/8, các nhà đàm phán từ Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết hồi đầu năm nay.

Theo dự kiến, các nhà đàm phán từ Mỹ và Trung Quốc ngày 15/8 sẽ thảo luận về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết hồi đầu năm nay - thời điểm trước khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và quan hệ giữa hai cường quốc trở nên tồi tệ hơn. Song giới quan sát tỏ ra không kỳ vọng về những thay đổi lớn nào.

Thỏa thuận Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc là một thỏa thuận “đình chiến” cho cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng của hai nước.

Theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng hai năm, từ ô tô, máy móc, dầu mỏ đến nông sản. Nhưng hoạt động mua hàng hóa đã bị chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch.

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở tại Mỹ cho biết hoạt động mua nông sản của Trung Quốc vào cuối tháng 6/2020 còn kém khá xa so với mức dự tính trước đó vào cùng thời điểm trong năm. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, Trung Quốc mới chỉ đạt 39% mục tiêu nửa năm. Còn theo số liệu của Bắc Kinh, con số trên là 48%.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường chỉ trích Trung Quốc trước khi cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ diễn ra vào tháng 11/2020. Những yếu tố này đang đặt ra câu hỏi về số phận của thỏa thuận cũng như khả năng hai bên đi đến được một thỏa thuận Giai đoạn 2.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều không xác nhận với báo giới liệu các cuộc đàm phán sẽ diễn ra hay không. Nhưng thỏa thuận Giai đoạn 1 yêu cầu hai bên tiến hành các cuộc họp sáu tháng một lần tính từ khi thỏa thuận có hiệu lực, tức là vào ngày 15/8.

Bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty dịch vụ tài chính ING, cho biết kết quả của cuộc đàm phán sẽ báo hiệu liệu hai nước có sẵn sàng duy trì thỏa thuận Giai đoạn 1 hay không.

Còn ông Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á tại Singapore, nhận xét hoạt động mua nông sản Mỹ của Trung Quốc có thể cải thiện vào cuối năm nay. Nhưng Bắc Kinh vẫn sẽ khó đạt được mục tiêu đối với các sản phẩm năng lượng do giá trên thị trường toàn cầu đang khá thấp.

Tuy nhiên, ông nói rằng ngôn ngữ trong thỏa thuận sẽ cho phép cả hai bên sửa đổi các mục tiêu để ứng phó với một thảm họa như đại dịch COVID-19. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là "một kết quả tốt", song vẫn có khả năng chúng bị bởi những lý do chính trị

Giữa lúc căng thẳng gia tăng và cả hai nước “quay cuồng” vì cú sốc COVID-19, hầu hết các nhà phân tích không kỳ vọng các cuộc đàm phán sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong thỏa thuận. Nếu có bất cứ điều gì thay đổi, Washington sẽ là bên "xúc tác" thúc đẩy chúng.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, nhận định cho đến nay, Trung Quốc tương đối bị động và Mỹ tương đối chủ động.

Theo chuyên gia này, phía Trung Quốc sẽ không có nhiều thay đổi về thương mại, hợp tác hay mở cửa thị trường. Mấu chốt của cuộc đàm phán vẫn nằm ở phía Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục