Mỹ tự làm khó mình trong quan hệ với Cuba

06:00' - 13/03/2019
BNEWS Chính quyền Mỹ đang thắt chặt các “ốc vít” kinh tế đối với Cuba sau khi những quy định nới lỏng được Mỹ đưa ra trong nỗ lực mở cửa trở lại với quốc đảo này từ thời chính quyền Tổng thống Obama.
Đại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Washington Post, chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa mới đưa ra quyết định đảo ngược một phần trong chính sách của Mỹ áp đặt với Cuba hơn hai thập kỷ qua, theo đó cho phép ủy quyền cho các công dân Mỹ chống lại các thực thể Chính phủ Cuba trong việc bị chính quyền cách mạng tịch thu tài sản từ 6 thập kỷ trước đây.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một tuyên bố cho biết chính quyền Mỹ đang dỡ bỏ lệnh cấm đối với những vụ kiện như vậy, miễn là họ đã đệ đơn chống lại một trong số khoảng 200 công ty và doanh nghiệp mà dịch vụ an ninh Cuba có lợi ích tài chính. Năm ngoái, các công ty và khách du lịch Mỹ đã bị cấm tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với các thực thể Cuba được liệt kê này.

Cụ thể ngày 4/3, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thông báo Washington sẽ tiếp tục “treo” Đề mục III của Luật Helms-Burton thêm 30 ngày, nhưng bắt đầu áp dụng một phần điều khoản hà khắc này, qua đó siết chặt cuộc bao vây cấm vận chống Cuba.

Luật Helms-Burton, được Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký ban hành năm 1996, đã trở thành một trong những nền tảng pháp lý cho cuộc bao vây cấm vận kinh tế - tài chính - thương mại của Mỹ chống Cuba. 

Đề mục III cho phép các công dân Cuba có tài sản bị chính quyền cách mạng quốc hữu hóa, sau khi nhập quốc tịch Mỹ được quyền khởi kiện tại các tòa án Mỹ đòi các doanh nghiệp, của Cuba hay nước ngoài, phải bồi thường nếu sử dụng các tài sản bị tịch biên đó qua những thỏa thuận với Chính phủ Cuba

Do tính chất pháp lý phức tạp, kể từ khi Luật Helms-Burton ra đời, tất cả các tổng thống Mỹ mỗi khi ký gia hạn điều luật này đều miễn áp dụng Đề mục III theo thời hạn 6 tháng. Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump chỉ ký miễn áp dụng đề mục này trong thời hạn 45 ngày, hồi tháng Một vừa qua, đã bắt đầu làm dấy lên các nghi ngại về việc Washington lần đầu tiên áp dụng biện pháp cứng rắn và phức tạp này.

Theo thông báo mới nhất của Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ tiếp tục hoãn áp dụng Đề mục III thêm 30 ngày, nhưng đã cho phép các công dân Mỹ gốc Cuba được khởi kiện các doanh nghiệp Cuba nằm trong một danh sách trừng phạt do Bộ Ngoại giao Mỹ đơn phương đưa ra từ tháng 11/2017. 

Danh sách này bao gồm các doanh nghiệp và chi nhánh liên quan tới an ninh và quốc phòng của Cuba, bao gồm từ Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng, Lực lượng cảnh sát cách mạng quốc gia, cho tới Đặc khu phát triển Mariel hay hải cảng La Habana. Danh sách này thường xuyên được Washington cập nhật, chủ yếu nhắm vào các khách sạn và cơ sở du lịch của Cuba.

Bước tiến mới được đưa ra khi chính quyền Mỹ thắt chặt các “ốc vít” kinh tế đối với Cuba – những quy định nới lỏng được Mỹ đưa ra trong nỗ lực mở cửa trở lại với quốc đảo này từ thời chính quyền Tổng thống Obama. Nỗ lực đó đã được tăng cường với những cáo buộc của chính quyền rằng Cuba là chỗ dựa chính cho chính phủ Tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela.

Một khía cạnh chưa từng có của hành động trên, trái với thông lệ truyền thống và luật pháp quốc tế, sẽ cho phép người Mỹ gốc Cuba không phải là công dân Mỹ tại thời điểm tài sản của họ bị tịch thu được đưa ra khiếu nại tại tòa án liên bang Mỹ.  

Hầu hết những người khiếu nại hiện nay và những người tiềm năng đã rời khỏi hòn đảo trong những năm ngay sau khi Chủ tịch Fidel Castro tiếp quản chính phủ vào tháng 1/1959. Các tài sản bao gồm từ nhà nghỉ ở bãi biển cho đến một số công ty liên doanh và nhà nước lớn nhất của Cuba. 

Dự luật, ban đầu bị nhiều thành viên đảng Dân chủ phản đối, đã được Tổng thống Clinton thông qua và ký kết sau khi máy bay chiến đấu Cuba, vào tháng 2/1996 đã bắn hạ 2 máy bay tư nhân được điều hành bởi một nhóm nhân đạo có trụ sở tại Miami. Cuba tranh luận rằng các máy bay đã vượt qua vùng biển quốc tế.

Tuy nhiên, Đề mục III của đạo luật này cho phép công dân Mỹ khởi kiện gấp ba lần giá trị tài sản bị tịch thu có giá trị hơn 50.000 USD, đã bị tạm dừng 6 tháng kể từ khi ban hành, vì các chính quyền Mỹ sau đó xác định rằng đạo luật sẽ gây phương  hại cho thương mại và các mối quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh có đầu tư vào Cuba.

Một số quốc gia châu Âu, cùng với Canada và Mexico, đã thông qua luật cấm hợp tác với bất kỳ điều khoản ngoài lãnh thổ nào, trong khi Liên minh châu Âu (EU) dọa sẽ đưa vấn đề này ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục