Mỹ và EU chạy nước rút trước thời hạn áp thuế ngày 9/7
Theo tờ The Washington Post, thỏa thuận tiềm năng Mỹ - Liên minh châu Âu (EU), nếu đạt được, sẽ giúp hàng hóa EU tránh được mức thuế 50% mà ông Trump từng đe dọa áp đặt và sẽ là một trong số ít thỏa thuận mà Chính phủ Mỹ chuẩn bị hoàn tất trước ngày 9/7.
EU và Mỹ từng là hai nhân tố tiên phong ủng hộ hệ thống thương mại dựa trên luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong nhiều năm. Nhưng khi mối quan hệ gắn bó ở hai bên bờ Đại Tây Dương bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt, với hình ảnh minh hoạ gần đây nhất là sự “giằng co” giữa các nhà ngoại giao châu Âu và Mỹ liên quan tới đàm phán thuế quan, Mỹ và EU đang phải vật lộn để vượt qua những khác biệt sâu sắc về cách tốt nhất để giải quyết các tranh chấp kinh tế, tổ chức nền kinh tế toàn cầu,...Có thể thấy rằng kết quả từ chính sách ngoại thương của ông Trump là rất khó đoán. Mặc dù Mỹ vẫn còn ràng buộc với các quy định của WTO, nhưng giới phân tích nhận định các hành động đơn phương của ông Trump đang bỏ qua những quy định này. Thỏa thuận hạn chế mà Mỹ đã ký với Vương quốc Anh cho thấy chính sách thương mại mới của Mỹ sẽ bao gồm mức thuế cơ bản 10% trên tất cả hàng nhập khẩu, các mức thuế cao hơn đối với một số sản phẩm cụ thể, và các mức thuế bổ sung thay đổi theo từng quốc gia.
Chiến lược của Tổng thống Trump báo hiệu sự sụp đổ một nguyên tắc cốt lõi của WTO, ngăn cản các quốc gia phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại của họ. Theo hệ thống "tối huệ quốc", Mỹ và các quốc gia khác phải áp dụng cùng một mức thuế cho cùng một loại hàng hóa từ mọi quốc gia. Các mức thuế khác nhau sẽ gây thêm trở ngại cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn được tối ưu hóa về hiệu quả và chi phí thấp trước thời Tổng thống Trump 2.0.
“Mỹ đang tự đặt mình vào trung tâm của một hệ thống thương mại toàn cầu mới, trong đó các điều kiện được xác lập thông qua các thỏa thuận song phương hoặc các hành động đơn phương nếu không thể đạt được thỏa thuận”, ông Edward Alden, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết, “rõ ràng chúng ta đang ở trong kỷ nguyên mới về thương mại và tất cả chúng ta đều đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của chúng”.
Trong khi Washington đang nỗ lực thu hẹp thâm hụt thương mại kinh niên của quốc gia, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ trở thành người gánh chịu hậu quả. Họ sẽ phải trả chi phí cao hơn cho các mặt hàng nhập khẩu như thiết bị điện tử, nội thất, may mặc, giày dép và điện thoại.Chuyên gia Edward Gresser, nhà phân tích của Viện Chính sách Tiến bộ từng làm việc trong chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ đầu tiên, cho biết một số ngành công nghiệp của Mỹ có thể sẽ được tiếp cận tốt hơn với một số thị trường nước ngoài, mặc dù có thể không nhiều như trong thỏa thuận thương mại khu vực Thái Bình Dương trước đó mà ông Trump đã từ chối.
Chuyên gia Gresser cho biết, một số lợi ích tiếp cận thị trường sẽ bị lu mờ bởi mức giá hàng bán cao hơn mà các nhà sản xuất Mỹ phải trả, do thuế quan áp đặt đối với thép và các nguyên liệu đầu vào nước ngoài khác. Các thỏa thuận mới đang được đàm phán, không giống như các hiệp ước thương mại được Quốc hội Mỹ phê chuẩn trong quá khứ, đang phải đối mặt với tương lai không chắc chắn. Ông nói: “Những thỏa thuận này không ổn định vì nhiều lý do: nền tảng pháp lý không vững chắc, chúng khó có thể đạt được mục tiêu cốt lõi đã nêu và Quốc hội chưa thảo luận về bất kỳ thỏa thuận nào trong số đó”.
Theo ông Olof Gill, phát ngôn viên của EC tại Brussels, nhà đàm phán thương mại chính của EU, Maros Sefcovic đã báo cáo một số tiến triển hướng tới thỏa thuận với Mỹ sau cuộc họp tại Washington vào tuần đầu tháng 7/2025 với sự tham gia của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer.
Hai bên tiếp tục đàm phán trong những ngày gần đây với hy vọng đạt được một thỏa thuận khung trước ngày 9/7 để mở đường cho các cuộc đàm phán toàn diện hơn trong những tháng tới. EU cũng đã soạn thảo kế hoạch trả đũa đối với các sản phẩm cụ thể của Mỹ, nếu nỗ lực trên thất bại và Tổng thống Trump vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế quan đối ứng.
EU dường như miễn cưỡng chấp nhận mức thuế 10% của ông Trump nhưng muốn tránh mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm cụ thể như dược phẩm. Mỹ có những yêu cầu riêng, bao gồm cả việc miễn thuế carbon của khối này đối với các nhà sản xuất thép của Mỹ. Ông William Reinsch, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, cho biết có sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu khi Đức, quốc gia xuất khẩu hàng đầu, muốn sớm đạt được thỏa thuận với Washington, trong khi Pháp lại muốn áp dụng đường lối cứng rắn hơn.
Brussels có lẽ chỉ là đang cố gắng kéo dài thời gian. Chiến lược thuế quan nặng nề của Tổng thống Trump không được lòng cử tri. Theo khảo sát của tạp chí The Economist/YouGov vào đầu tháng 5/2027, 53% người Mỹ được hỏi cho rằng thuế quan sẽ gây hại cho nền kinh tế, trong khi chỉ 30% nghĩ ngược lại. Với việc ông Trump sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử Quốc hội trong 16 tháng nữa, các nhà lãnh đạo châu Âu, những người sẽ không phải đối mặt với sự phán xét của cử tri cho đến năm 2029, kỳ vọng sẽ có những thay đổi.
Có thể thấy rằng phần lớn cách tiếp cận thương mại của ông Trump đều đối nghịch với ưu tiên của châu Âu. "Sự yêu thích" của ông đối với thuế quan đe dọa những gì mà các quan chức ở Brussels coi là "mối quan hệ thương mại quan trọng nhất trên thế giới". Trong khi Tổng thống Trump ủng hộ quyền lực đơn phương thô sơ, châu Âu coi trọng sự đồng thuận đa quốc gia đã được đàm phán.
Vào tháng 4/2025, Tổng thống Trump đã công bố gói thuế quan cao nhất của Mỹ trong hơn một thế kỷ. Ông đã nói rằng chúng cần thiết để chống lại các hoạt động thương mại không công bằng của 65 quốc gia, bao gồm một số quốc gia nghèo nhất trên hành tinh. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, sau khi chứng kiến thị trường tài chính Mỹ chao đảo, ông Trump đã tạm dừng thuế quan với lý do để có thêm thời gian cho đàm phán.
Một cố vấn cấp cao của Nhà Trắng đã nói rằng sẽ có "90 thỏa thuận trong 90 ngày", nhưng Bộ trưởng Tài chính Bessent cho biết các quan chức sẽ tập trung vào 18 quốc gia hàng đầu. Tuy nhiên, kết quả cho đến nay vẫn chưa mấy khả quan. Những hy vọng ban đầu về các thỏa thuận với một số quốc gia như Ấn Độ và Nhật Bản vẫn chưa thành hiện thực. Vào cuối tháng 6/2025, Bộ trưởng Bessent cho biết việc hoàn tất các cuộc đàm phán có thể sẽ diễn ra cho đến Ngày Lao động của Mỹ (1/9).
Ngày 3/7, Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen cho biết "không thể" đạt được một giải pháp thương mại toàn diện trước thời hạn, vì vậy các nhà đàm phán sẽ hướng tới "một thỏa thuận trên nguyên tắc".
Tuy nhiên, ngay cả các thỏa thuận “mỏng” này cũng rất khó đạt được. Nhật Bản là nước đầu tiên bắt đầu đàm phán với Mỹ vào tháng 4/2025 và đã công khai thể hiện mong muốn đạt được thỏa thuận. Nhưng theo các nhà phân tích tại Teneo, yêu cầu của ông Trump về việc Tokyo phải mở cửa thị trường gạo, vốn là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị của nước này, hiện khó có thể được chấp nhận, đặc biệt là khi chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra bầu cử tại nước này.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Chính sách tiền tệ trong sương mù
06:30'
Các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đã gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng chính sách lãi suất do cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump khiến viễn cảnh thuế quan luôn mịt mờ.
-
Phân tích - Dự báo
Tín hiệu cho một trật tự tài chính toàn cầu mới?
06:30' - 07/07/2025
Nhận thức lâu đời về đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ là nơi trú ẩn an toàn có nguy cơ bị thay đổi vĩnh viễn.
-
Phân tích - Dự báo
Nông nghiệp Hàn Quốc: Từ ‘sự cố táo vàng’ đến chiến lược sống còn
05:30' - 07/07/2025
Tờ “Korea JoongAng Daily” mới đây có bài viết về biến đổi khí hậu đang gây ra những thách thức chưa từng thấy đối với nông nghiệp Hàn Quốc, từ thời tiết khắc nghiệt đến giá lương thực bất ổn.
-
Phân tích - Dự báo
Châu Âu giằng co giữa tham vọng khí hậu và thực tế kinh tế
06:30' - 06/07/2025
EC vừa chính thức đề xuất mục tiêu giảm 90% khí thải nhà kính vào năm 2040 so với mức của năm 1990, tiếp nối lộ trình đưa Liên minh châu Âu (EU) hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
-
Phân tích - Dự báo
Khi kho vàng Manhattan trở thành dấu hỏi địa kinh tế
05:30' - 06/07/2025
Theo báo The Straits Times, Mỹ vốn luôn tự hào vì sở hữu kho vàng lớn nhất thế giới.
-
Phân tích - Dự báo
Giải cứu thép nội địa - nhiệm vụ không dễ với Canada
06:30' - 05/07/2025
Bộ Tài chính Canada sẽ hạn chế lượng thép nước ngoài nhập khẩu bằng cách áp thuế đối với các mặt hàng vượt quá ngưỡng quy định từ những quốc gia không có FTA với Canada.
-
Phân tích - Dự báo
Thách thức giảm phát thải carbon thúc đẩy đầu tư công nghệ xanh
05:30' - 05/07/2025
Thách thức về giảm phát thải carbon và lưu trữ khí nhà kính đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các ngành công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác và chế biến hydrocarbon.
-
Phân tích - Dự báo
Đồng USD có khởi đầu năm tệ nhất trong nửa thế kỷ
06:30' - 04/07/2025
Theo tờ New York Times, đồng tiền của Mỹ đã giảm hơn 10% trong sáu tháng qua, khi so sánh với những đồng tiền của các đối tác thương mại lớn trong rổ tiền tệ quốc tế.
-
Phân tích - Dự báo
Cuộc dịch chuyển chiến lược của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu
05:30' - 04/07/2025
Theo tờ China Daily, các chuyên gia trong ngành cho biết những nhà sản xuất ô tô đa quốc gia đang đẩy nhanh các nỗ lực để nội địa hóa hoạt động ở Trung Quốc.