Mỹ: Tỷ phú Elon Musk và DOGE đối mặt với cáo buộc vi hiến

13:02' - 14/02/2025
BNEWS Theo các quan chức tư pháp, ngoài Tổng thống Mỹ, chưa có một cơ quan nào có quyền hành pháp lớn như Bộ Hiệu quả Chính phủ do tỷ phú Elon Musk đứng đầu. Điều này trái ngược với cấu trúc Hiến pháp Mỹ.

Ngày 13/2, một nhóm các quan chức tư pháp bang đã đệ đơn kiện liên quan đến Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk đứng đầu với cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm bất hợp pháp ông Musk và đã trao cho DOGE những quyền hạn không được Quốc hội cho phép. Đây là vụ kiện mới nhất làm leo thang thêm cuộc chiến pháp lý liên quan đến hoạt động của cơ quan mới được thành lập này.

 

Theo đơn kiện đệ trình lên tòa án liên bang Washington, người đứng đầu ngành tư pháp của 14 bang cáo buộc “Tổng thống Trump đã ủy quyền hầu như không được kiểm soát cho ông Musk mà không có sự cho phép hợp pháp thích hợp từ Quốc hội và không có sự giám sát có ý nghĩa đối với các hoạt động của ông Musk”.

Các quan chức tư pháp nhấn mạnh ngoài Tổng thống Mỹ, chưa có một cơ quan nào lại có quyền hành pháp lớn như DOGE. Điều này trái ngược hoàn toàn với cấu trúc Hiến pháp Mỹ. Các quan chức này đề nghị tòa án ra lệnh cấm ông Musk thực hiện bất kỳ hành động hành pháp nào khác.

Các bang tham gia vụ kiện do New Mexico dẫn đầu bao gồm Arizona, Michigan, California, Connecticut, Hawaii, Maryland, Massachusetts, Minnesota, Nevada, Oregon, Đảo Rhode, Vermont, Washington. Nhà Trắng chưa đưa ra phản hồi về vụ kiện.

Đây là vụ kiện mới nhất nhằm vào ông Musk và DOGE, sau một số vụ kiện về quyền riêng tư liên quan đến quyền truy cập vào hệ thống máy tính của chính phủ. Dự kiến ngày 14/2, 2 thẩm phán liên bang giám sát các vụ kiện quyền riêng tư sẽ xem xét liệu cơ quan này có được phép truy cập vào hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính và dữ liệu có khả năng nhạy cảm tại các cơ quan y tế, bảo vệ người tiêu dùng và lao động của Mỹ hay không.

Được thành lập với mục tiêu cắt giảm chi tiêu liên bang, trong khoảng 3 tuần qua, DOGE đã đi khắp các cơ quan chính phủ, khai thác các hệ thống máy tính, đào sâu vào ngân sách và tìm kiếm những gì được cho là lãng phí, gian lận và lạm dụng. Kết quả là việc sa thải hàng loạt công chức chính phủ và cắt giảm mạnh chương trình viện trợ nước ngoài của nước này. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục