Mỹ và Trung Quốc hợp tác phát triển năng lượng sạch

17:27' - 08/06/2017
BNEWS Ngày 8/6, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đang ở thăm Trung Quốc kêu gọi hai nước hợp tác trong phát triển năng lượng sạch.
 Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (phải) và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry (trái). Ảnh: AFP/TTXVN

Lời kêu gọi được đưa ra một tuần sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ bên lề Hội nghị cấp bộ trưởng về năng lượng sạch tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Perry cho rằng hai nước có “cơ hội đặc biệt” để hợp tác trong các vấn đề về năng lượng sạch, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để phát triển công nghệ năng lượng sạch như khí đốt tự nhiên hóa lỏng, than sạch và năng lượng hạt nhân.

Đầu tuần này, Thống đốc bang California Jerry Brown cũng đã có chuyến thăm Bắc Kinh. Sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thống đốc Brown, giới chức hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về phát triển năng lượng sạch.

Thống đốc Brown cam kết tiếp tục ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Ông cũng cho biết trong chuyến công du kéo dài một tuần tới Trung Quốc này, ông đã thực hiện chiến dịch thông tin rộng rãi về các vấn đề môi trường với tư cách là người đứng đầu bang California.

Về phần mình, Trung Quốc khẳng định nước này sẽ thực hiện Hiệp định Paris bất chấp sự rút lui của chính quyền Mỹ, và Bắc Kinh đang hướng tới các bang của Mỹ để chia sẻ quyết tâm này.

Trước khi bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, Thống đốc bang California cam kết bang này sẽ chống lại quyết định của Tổng thống Mỹ về việc rút khỏi Hiệp định Paris và mô tả quyết định này là “sai lầm và thiếu sáng suốt”.

Bang California là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và là một trong số ít các bang của Mỹ cam kết tiếp tục theo đuổi Hiệp định Paris bất chấp quyết định của chính quyền liên bang. Nằm trong số những bang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất tại Mỹ, California đã từng bước giảm mạnh lượng khí thải độc hại trong thập kỷ qua.

Chính quyền bang này cam kết mục tiêu tới năm 2020 sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng với mức của thập niên 90 trong thế kỷ trước và tới năm 2030, lượng khí thải sẽ giảm 40% so với mức này.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được 195 nước ký kết và có hiệu lực từ tháng 11/2016, với những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm lượng khí thải CO2 nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.

Ngày 1/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố quyết định rút nước này khỏi hiệp định này, gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ dư luận trong nước và quốc tế./.

>>> Hàn Quốc phát triển pin mặt trời có tính thẩm mỹ cao

>>> Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác đầu tư với các địa phương của Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục