Mỹ và Trung Quốc hợp tác ứng phó với nguy cơ ngân hàng lớn phá sản

06:30' - 07/04/2024
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ và Trung Quốc đang cùng chuẩn bị để đối phó với tình huống một ngân hàng lớn sụp đổ ở một trong hai nước.

Phát biểu tại sự kiện của Phòng Thương mại Mỹ ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, bà Yellen nói: “Chúng tôi đã có các hoạt động trao đổi kỹ thuật giữa hai bên, bao gồm diễn tập cách cùng nhau đối phó với sự sụp đổ của một ngân hàng lớn ở Mỹ hoặc Trung Quốc”. Tuyên bố của Bộ trưởng Yellen đề cập đến hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm mô hình hóa các rủi ro tài chính từ nguy cơ một ngân hàng phá sản. Đây là một ví dụ về sự hợp tác gần đây giữa hai quốc gia.

 

Trước đó, các cơ quan quản lý Mỹ ngày 14/3 thông báo phạt ngân hàng JP Morgan Chase gần 350 triệu USD vì hoạt động giám sát và báo cáo giao dịch không đầy đủ.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết các khoản tiền phạt do Fed và Văn phòng Kiểm soát tiền tệ (OCC) áp đặt liên quan đến các hoạt động giao dịch của JP Morgan Chase trong thời gian từ năm 2014-2023.

Fed cho biết đã phạt 98,2 triệu USD đối với JP Morgan Chase vì thực hiện không đầy đủ chương trình giám sát các hoạt động giao dịch của công ty và khách hàng để phát hiện những hành vi sai trái trên thị trường.

Trong tuyên bố riêng, OCC cho biết đã phạt JP Morgan Chase 250 triệu USD sau khi phát hiện những lỗ hổng trong hoạt động của ngân hàng tại các địa điểm giao dịch và không có biện pháp kiểm soát dữ liệu đầy đủ để duy trì chương trình giám sát giao dịch hiệu quả.

Fed yêu cầu JP Morgan Chase xem xét và triển khai các biện pháp khắc phục những hoạt động giám sát không đầy đủ của công ty. Tương tự, OCC cũng yêu cầu ngân hàng cải thiện chương trình giám sát giao dịch và kiểm tra trước khi đưa vào các địa điểm giao dịch mới.

Người phát ngôn của JP Morgan Chase cho biết ngân hàng đã tự xác định vấn đề và thực hiện các biện pháp khắc phục cũng như các biện pháp khác. Ngân hàng cũng không phát hiện bất kỳ hành vi sai trái hoặc gây tổn hại nào của nhân viên đối với khách hàng hoặc thị trường khi xem xét dữ liệu chưa được thu thập trước đó. JP Morgan Chase hy vọng không xảy ra bất kỳ sự gián đoạn dịch vụ nào đối với khách hàng do các giải pháp này gây ra.

JPMorgan Chase cùng với các ngân hàng hàng đầu khác của Mỹ là Bank of America và Citigroup đã công bố báo cáo cho thấy lợi nhuận giảm trong quý IV/2023 do ảnh hưởng kéo dài của lãi suất cao và cuộc khủng hoảng ngân hàng năm ngoái sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank.

JPMorgan Chase cho biết lợi nhuận của ngân hàng này trong quý IV/2023 đã giảm 15%, mặc dù doanh thu ghi nhận mức cao kỷ lục. Lợi nhuận của JPMorgan giảm vì ngân hàng này phải đóng góp 2,9 tỷ USD cho Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) để cơ quan này tiến hành cuộc đánh giá toàn ngành nhằm chi trả cho những người gửi tiền không có bảo hiểm bị ảnh hưởng do sự sụp đổ của Silicon Valley Bank. Tuy nhiên, tính trong cả năm 2023, JPMorgan Chase vẫn mang về khoản lợi nhuận 50 tỷ USD, cao hơn so với mức 37,6 tỷ USD năm trước đó.

Ông Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của JPMorgan, cho biết: “Kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi, sức mua của người tiêu dùng vẫn tốt và thị trường đang mong chờ một cuộc hạ cánh mềm”.

Bank of America cũng phải đóng góp 2,1 tỷ USD cho cuộc đánh giá của FDIC liên quan cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi năm ngoái. Khoản đóng góp này cùng với một số chi phí khác đã khiến lợi nhuận quý IV/2023 của Bank of America giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Về phần mình, Citigroup thông báo lỗ do khoản đóng góp kinh phí cho cuộc đánh giá của FDIC. Citigroup thông báo khoản lỗ 1,8 tỷ USD trong quý IV/2023.

Ở chiều ngược lại, Wells Fargo đạt lợi nhuận 3,45 tỷ USD trên doanh thu 20,5 tỷ USD. Doanh thu năm 2023 của Wells Farrgo đạt 82,6 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2022. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt 4,83 USD, tăng gần 48% so với mức 3,27 USD năm 2022.

Theo giới phân tích, các ngân hàng lớn ở Mỹ dù ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý IV/2023 nhưng vẫn khép lại năm 2023 với nhiều chỉ dấu tích cực nhờ thị trường việc làm khởi sắc, sức mua của người tiêu dùng tiếp tục hồi phục bất chấp tác động của lạm phát và lãi suất cao.

Tổ chức nghiên cứu Conference Board dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Mỹ sẽ tăng 0,9% năm 2024. Sau đó, nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu phục hồi và tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt gần 1,7%.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) mới đây công bố dữ liệu cho thấy hoạt động cho vay của ngành ngân hàng nước này trong tháng 12/2023 ít hơn dự kiến, song tính cả năm 2023 thì ghi nhận mức kỷ lục mới trong bối cảnh PBoC duy trì chính sách phù hợp để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

PBoC cho biết các khoản vay mới bằng đồng NDT của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng 1.170 tỷ NDT (163,31 tỷ USD) trong tháng 12/2023, tăng so với mức của tháng 11 nhưng không như dự báo tăng lên mức 1.400 tỷ NDT mà các nhà phân tích của hãng tin Reuters đưa ra.

Tính chung cả năm 2023, các khoản cho vay của ngành ngân hàng Trung Quốc đạt kỷ lục 22.750 tỷ NDT, gần tương đương với GDP của Anh và tăng 6,8% so với mức 21.310 tỷ NDT trong năm 2022, mức kỷ lục trước đó.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục