Moody’s: Hệ thống ngân hàng vẫn ổn định dù kinh tế thế giới tăng trưởng thấp

08:56' - 04/04/2024
BNEWS Ngày 3/4, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's công bố báo cáo, trong đó cơ quan này duy trì đánh giá triển vọng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng tại Mỹ Latinh và Caribe trong năm nay ở mức ổn định.
Trong báo cáo, các chuyên gia của Moody's khẳng định triển vọng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng tại Mỹ Latinh đã được cải thiện đáng kể bất chấp tình hình phức tạp của các tổ chức tín dụng trên toàn cầu, trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức thấp và diễn biến khó lường trong điều hành lãi suất tại Mỹ và châu Âu trong năm nay.

 

Theo chuyên gia cao cấp về tín dụng của Moody’s Felipe Carvallo, các ngân hàng ở Mexico sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia lân cận (nearshoring) của doanh nghiệp Mỹ cùng với đó là các điều kiện về chi phí tài chính thấp hơn.

Ông Carvallo nhấn mạnh, tác động tích cực từ hoạt động "nearshoring" sẽ bắt đầu được nhận thấy vào cuối năm nay đối với hoạt động ngân hàng thương mại ở Mexico và một số quốc gia Trung Mỹ khác, như Costa Rica.

Tại khu vực Nam Mỹ, Moody’s đánh giá các ngân hàng Chile có đủ điều kiện để cải thiện chất lượng tín dụng sau đợt suy thoái kể từ đầu năm 2022. Moody's kỳ vọng nhu cầu vay vốn tại Chile sẽ cao hơn trước, trong khi khả năng trả nợ của các hộ gia đình được cải thiện.

Đối với Peru và Colombia, Moody's cho rằng sau khi hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trước tình trạng kinh tế vĩ mô yếu kém trong năm 2023, hệ thống tài chính tại 2 quốc gia Nam Mỹ này sẽ quay trở lại trạng thái ổn định dù “tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao”.

Trong trường hợp của Brazil, bất chấp việc nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này đang đối mặt với kịch bản suy thoái, Moody’s nhận định hệ thống ngân hàng vẫn duy trì được lợi nhuận trong năm 2024 do khả năng các doanh nghiệp vỡ nợ là không cao.

Báo cáo của Moody’s cho thấy hệ thống ngân hàng của Argentina là trường hợp duy nhất tại Mỹ Latinh bị xếp vào triển vọng tín nhiệm tiêu cực. Moody's cho rằng nợ chính phủ đang mang lại rủi ro đối với tài sản của các tổ chức tín dụng. Cơ quan này cho biết thêm, Argentina đang trải qua một cuộc suy thoái sâu sắc với “siêu lạm phát” khiến các ngân hàng có rất ít cơ hội để huy động vốn và cải thiện lợi nhuận.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục