Na Uy công bố kế hoạch cho phép thăm dò khai thác khoáng sản dưới biển sâu

07:15' - 21/06/2023
BNEWS Na Uy cho biết có kế hoạch mở một phần thềm lục địa của mình để thăm dò khai thác thương mại dưới biển sâu.

Ngày 20/6, Na Uy cho biết có kế hoạch mở một phần thềm lục địa của mình để thăm dò khai thác thương mại dưới biển sâu.

 

Công bố đề xuất trên của chính phủ, Bộ trưởng Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy Terje Aasland nêu rõ: "Chúng tôi cần khoáng sản để đạt thành công trong quá trình chuyển đổi xanh". Theo ông, khoáng sản dưới đáy biển có thể trở thành nguồn tiếp cận các kim loại quan trọng và "không quốc gia nào khác có nền tảng tốt hơn để đi tiên phong (trong vấn đề này)" liên quan tới việc quản lý các nguồn tài nguyên đó một cách bền vững và có trách nhiệm.

Ông Aasland cũng lưu ý các khoáng chất cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh "ngày nay do một số quốc gia kiểm soát" và điều này khiến các nước khác dễ bị tổn thương.

Đáy biển ở thềm lục địa của Na Uy được cho là có trữ lượng khoáng sản lớn, trong đó có khả năng có khoáng sản đất hiếm. Chính phủ Na Uy cho biết việc khai thác dưới đáy biển sẽ "chỉ được cấp phép nếu ngành này chứng minh được rằng điều này có thể được thực hiện một cách bền vững và có trách nhiệm".

Tuy nhiên, các nhà môi trường kịch liệt phản đối việc khai thác dưới đáy biển vì lo ngại điều này có thể gây tổn hại cho các hệ sinh thái ở dưới biển sâu, chẳng hạn như quần thể cá, động vật có vú ở biển và chức năng điều hòa khí hậu của hệ sinh thái.

Trong khi đó, việc khai thác các kim loại đòi hỏi phải sử dụng nhiều hóa chất dẫn đến việc thải ra lượng chất thải độc hại khổng lồ và đã gây ra một số thảm họa môi trường.

Thông báo của Na Uy được đưa ra một ngày sau khi hiệp ước quốc tế đầu tiên trên thế giới bảo vệ các vùng biển quốc tế đã được thông qua tại Liên hợp quốc (LHQ).

Đây là một thỏa thuận về môi trường mang tính lịch sử được xây dựng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại, theo đó tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho việc mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra các vùng biển quốc tế, vốn chiếm 60% diện tích các đại dương trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục