Na Uy đình chỉ khai khoáng biển sâu

14:00' - 02/12/2024
BNEWS Na Uy đã đình chỉ các kế hoạch cấp giấy phép khai thác khoáng sản dưới biển sâu vào năm tới, do vấp phải sự phản đối của các nhóm môi trường và tổ chức quốc tế.

Ngày 1/12, một đảng liên minh với chính phủ trung tả của Na Uy cho biết, nước này đã đình chỉ các kế hoạch cấp giấy phép khai thác khoáng sản dưới biển sâu vào năm tới, do vấp phải sự phản đối của các nhóm môi trường và tổ chức quốc tế.

Na Uy - nhà sản xuất dầu khí lớn nhất Tây Âu - đã lên kế hoạch trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu trao quyền khai thác hàng chục nghìn km2 dưới đáy biển. Tuy nhiên, đảng Cánh tả Xã hội cho biết họ đã chặn động thái này để đổi lấy việc ủng hộ kế hoạch ngân sách năm 2025 của chính phủ thiểu số. Trong tuyên bố, đảng này cho biết "Sẽ không có thông báo nào về quyền thăm dò khai thác biển sâu vào năm 2024 hoặc 2025".

 

Phát biểu trên kênh truyền hình TV2, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoer cho biết kế hoạch cấp phép chỉ bị trì hoãn và đây là điều có thể chấp nhận được.

Trong khi đó, Bộ Năng lượng chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Hồi tháng 1, Quốc hội Na Uy đã thông qua việc cấp quyền khai thác đối với khoảng 280.000 km2 dưới biển sâu. Sau đó, Bộ năng lượng đã lập danh sách các khu vực dự kiến cấp phép khai thác vào năm 2025, chiếm khoảng 38% diện tích Biển Na Uy và Biển Greenland. Na Uy lập luận rằng họ không muốn phụ thuộc về các khoáng sản thiết yếu cho công nghệ năng lượng tái tạo. Nước này tin rằng có đồng, coban, kẽm và đất hiếm trên thềm lục địa của mình. Đây đều là các nguyên liệu thiết yếu để sản xuất pin, tua bin gió, máy tính và điện thoại di động.

Khai thác khoáng sản biển sâu là vấn đề gây tranh cãi vì ảnh hưởng tiềm tàng đến các hệ sinh thái biển dễ bị tổn thương. Các nhà môi trường cho biết môi trường sống của các loài sinh vật biển có thể bị đe dọa từ nguy cơ rò rỉ hóa chất và ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng từ máy móc được sử dụng.

Chính phủ cho biết đã có các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt trong các đề xuất khai thác của mình, đồng thời khẳng định các giấy phép có thể bị thu hồi. Tuy nhiên, các nhà khoa học, các nhóm phi chính phủ, một số công ty đa quốc gia và các tổ chức quốc tế như Nghị viện châu Âu đã phản đối động thái này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục