NAFTA không quá quan trọng đối với Canada

06:00' - 14/02/2017
BNEWS Giáo sư Keith Head thuộc Đại học British Columbia khẳng định FTA giữa Canada và Mỹ đã được ký từ năm 1988 có tác động đến nền kinh tế của Canada lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng của NAFTA.


Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) và tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ý định đàm phán lại một phần hoặc hoàn toàn Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến các chính trị gia và các chủ doanh nghiệp quan ngại sâu sắc.

Với giá trị trao đổi thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa Canada, Mỹ và Mexico đạt khoảng 1.300 tỷ USD trong năm 2015, cũng dễ hiểu được lý do tại sao.

Nhưng kèm theo những cảm xúc mạnh mẽ và các tranh cãi nảy lửa mà nó đem lại, các nhà kinh tế cho rằng NAFTA thực tế gây ảnh hưởng không nhiều đến nền kinh tế Canada như chúng ta tưởng.

Đây là lý do tại sao hiệp định mà ông Trump gọi là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử” có thể không thực sự hoàn toàn xấu - hoặc hoàn toàn tuyệt vời.
NAFTA làm nên lịch sử khi bắt đầu có hiệu lực vào năm 1994 bởi đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa hai nước phát triển (Canada và Mỹ) với một nước đang phát triển (Mexico).

Tuy nhiên, Keith Head - Giáo sư tại Trường thương mại Sauder thuộc Đại học British Columbia cho biết: Mỹ và Canada đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) từ ngày 2/1/1988. Thực tế cho thấy FTA này tác động đến nền kinh tế của Canada lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng của NAFTA.

Một điều quan trọng là với NAFTA, tỷ trọng xuất khẩu của Canada vào Mexico tăng một cách khiêm tốn, từ 0,7% năm 1997 lên 1,5% năm 2015, dựa theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ. “Chúng ta vẫn chưa trao đổi thương mại nhiều với Mexico”, theo Giáo sư Head, mà vấn đề quan trọng là thỏa thuận giữa Canada và Mỹ. 

Cơ quan phụ trách Các vấn đề toàn cầu Canada trích dẫn nhiều số liệu ấn tượng về nền kinh tế của Canada dưới thời NAFTA: thương mại hàng hóa giữa ba nước tăng gấp ba lần từ năm 1993 đến 2015 – tương đương 1.000 tỷ USD.

Xuất khẩu từ Canada sang Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 4,6%; các đối tác NAFTA chiếm hơn 1/4 tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới, mặc dù tổng dân số của những quốc gia này chiếm chưa tới 7% số dân toàn cầu. Tuy nhiên, các mối tương quan không bao hàm nguyên nhân và kết quả.
Thật khó để biết bao nhiêu trong số các tăng trưởng đó được tạo ra từ các yếu tố như lãi suất và sức mạnh của đồng CAD, khi tách rời tác động trực tiếp của NAFTA và FTA giữa Canada và Mỹ.

Các nhà kinh tế nhìn chung đều đồng ý rằng Hiệp định thương mại tự do là một nền tảng tốt cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp có thể bán nhiều sản phẩm ra nước ngoài và người tiêu dùng có thể tiết kiệm tiền bằng cách mua các sản phẩm nhập khẩu với giá thành rẻ hơn.

Nhưng các nghiên cứu về tác động của NAFTA vào nền kinh tế Mỹ cho thấy lợi ích thu được vẫn chưa cao.
Một nghiên cứu khác của Đại học Yale xác định NAFTA góp phần giúp tăng thêm khoảng 100 USD trong GDP của mỗi lao động Mỹ hàng năm.

Không có nghiên cứu tương tự đối với Canada, nhưng Philip Cross – trước đây từng giữ chức trưởng bộ phận phân tích kinh tế tại Cơ quan thống kê Canada và hiện là một thành viên cao cấp tại Viện Macdonald-Laurier - cho rằng lợi ích bình quân tính theo đầu người ở Canada cũng có thể chỉ ở mức tối thiểu.

"Thế giới sẽ ra sao nếu không có NAFTA? Chúng tôi không biết”, vẫn theo Cross, song NAFTA sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Canada.
Có rất nhiều người ủng hộ Trump ở các thành phố vành đai đổ lỗi cho NAFTA là nguyên nhân khiến họ mất các công việc sản xuất lương cao. Ngoài ra, còn có nhiều người hứng chịu tác động của NAFTA ở Canada.

Ví dụ, Chủ tịch Unifor Jerry Dias gần đây gọi việc General Motors của Canada cho thôi việc tạm thời 660 công nhân Ingersoll, Ontario là “việc xấu xa nhất của NAFTA”.

Các nghiên cứu về tác động của NAFTA tới thị trường việc làm tại Mỹ có những kết luận khác nhau. Một báo cáo của Viện chính sách kinh tế Washington đã nhận thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico và Canada thông qua việc sa thải khoảng 850.000 nhân công tại Mỹ trong khoảng từ năm 1993 tới 2013.

Trong khi đó, Cơ quan Nghiên cứu thuộc Quốc hội tổng kết một số nghiên cứu và kết luận tác động của NAFTA đối với vấn đề trên là không lớn. 

Ngay cả con số 850.000 cũng không quá nghiêm trọng khi xem xét đến việc nền kinh tế Mỹ gần đây đã có thêm 135.000 - 200.000 việc làm mỗi tháng.

Một điều chắc chắn là các công việc sản xuất được trả lương cao nhưng đòi hỏi tay nghề không cao của quá khứ đang dần biến mất. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là quá trình tự động hóa, chứ không phải do NAFTA.

Kết quả là cơn giận dữ đối với Hiệp định thương mại tự do thường không chính xác. “Sẽ rất khó để khẳng định việc chúng ta đã mất rất nhiều công ăn việc làm là do NAFTA”, theo Cross., “Tôi nghĩ rằng đó chỉ là một cái cớ được vẽ sẵn ra để vin vào khi có điều gì sai trái xảy ra”.
Các hiệp định thương mại tự do không bao giờ đơn giản chỉ là một cái bắt tay giữa các nhà lãnh đạo đất nước và một thỏa thuận không đánh thuế giữa các bên.

NAFTA có tất cả các ngoại lệ và các quy định, bao gồm một hệ thống giải quyết tranh chấp đối với các nhà đầu tư nước ngoài tin theo các hiệp định thương mại.

Gus Van Harten - Giáo sư tại trường luật Osgoode Hall thuộc Đại học York - đã nghiên cứu quá trình giải quyết tranh chấp này và nhận thấy rằng Canada bị đối xử không công bằng vì họ đã mất khoảng một nửa thời gian để đàm phán do bị các nhà đầu tư nước ngoài đâm đơn kiện dựa theo Chương 11 của luật NAFTA, trong khi Mỹ chưa bao giờ gặp hoàn cảnh đó.

Van Harten cho biết ít nhất 2 tỷ USD đã được chi cho các thủ tục pháp lý trong tranh chấp đầu tư trên toàn thế giới kể từ cuối những năm 1990.

Ông Harten cho rằng điều đó chỉ mang lại lá chắn bảo vệ cho các nhà đầu tư nước ngoài và họ (nhà đầu tư nước ngoài) ở vị trí cao một cách vô lý trong luật pháp quốc tế.
Nếu NAFTA không có nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế như vậy, thì mối đe dọa của việc Trump xoá bỏ nó phải chăng không có nhiều ý nghĩa? Điều đó là sai, theo khẳng định của Giáo sư Keith Head thuộc UBC.

Một lý do quan trọng là nếu Trump đánh thuế 35% đối với hàng nhập khẩu Mexico theo như cảnh báo, điều đó sẽ tàn phá kinh tế Mexico.

Một cuộc suy thoái ở Mexico sẽ ảnh hưởng đến Canada cho dù không có nhiều hoạt động thương mại giữa hai nước. Đáng chú ý hơn, nhiều doanh nghiệp Canada hưởng lợi nhờ thương mại tự do với các hiệp định ký với Mỹ đã khiến hai nền kinh tế trở nên gắn chặt với nhau hơn, với 3/4 hàng xuất khẩu của Canada chuyển về phía Nam biên giới.
Giáo sư Head nhận định do nền kinh tế Mỹ lớn hơn nhiều so với Canada, chính phủ của họ sẽ có rất nhiều khả năng thương lượng một khi NAFTA tái đàm phán.

Nếu Mỹ đặt mức thuế cao đối với hàng hóa của Canada, Canada không có cách trả đũa nào đủ mạnh, ông Head nhận xét, bởi nếu hai bên cùng tăng thuế đối với hàng hóa của nhau, hậu quả sẽ là “gậy ông đập lưng ông”./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục