Năm 2016, liệu thế giới có rơi vào khủng hoảng kinh tế?

11:35' - 12/01/2016
BNEWS Hiếm khi các thị trường tài chính thế giới lại có một khởi đầu Năm Mới nhiều xáo động và bất ngờ như tuần đầu năm 2016.

Cổ phiếu rớt giá mạnh, giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc tự động ngừng hai lần và ngay cả Ngân hàng Thế giới (WB) cũng phải ra lời cảnh báo về một "trận bão" lớn đang tiềm ẩn.

Kinh tế thế giới trước tương lai bất ổn. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Vài chục phút ngừng giao dịch của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu, dẫn tới làn sóng bán tháo cổ phiếu của giới đầu tư và khiến hơn 2.000 tỷ USD giá trị cổ phiếu bị “quét” khỏi thị trường.

Các yếu tố khác góp phần dẫn tới sự bất an của các nhà đầu tư và các nhà giao dịch trên các thị trường trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2016 là việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch và quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran xấu đi đáng kể. Phát biểu trước giới lãnh đạo doanh nghiệp tại Cardiff (xứ Wales) hôm 7/1, Bộ trưởng tài chính nước Anh George Osborne đã bày tỏ mối quan ngại rằng nước Anh đang đối mặt với một loạt nguy cơ mới.

Tuy nhiên, tờ The Guardian dẫn nhận định của một số nhà phân tích tại Anh rằng xét trong bối cảnh chung hiện nay, không có lý do gì để các thị trường toàn cầu đình trệ. Bởi thông thường, suy thoái kinh tế thường diễn ra vào thời điểm giá dầu tăng cao, song vào thời điểm này, giá dầu thô đã giảm trên 2/3 so với lúc cao đỉnh điểm 115 USD/thùng hồi tháng 6/2014.

Xét về mặt lôgíc, điều đó rõ ràng có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Chi phí năng lượng ở mức thấp sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, đồng thời làm tăng chi tiêu tiêu dùng. Dầu thô rớt giá mạnh sẽ không tránh khỏi có “kẻ khóc, người cười”, song tác động nhìn chung là tích cực.

Thêm nữa, nỗi lo ngại về kinh tế Trung Quốc có lẽ bị cường điệu quá mức. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế của nước này chậm lại không chỉ là chủ ý mà còn là điều mà nước này mong muốn. Nếu kinh tế tăng trưởng chậm lại nhanh hơn dự tính, Chính phủ Trung Quốc vẫn có nhiều công cụ để tránh sự hạ cánh cứng cho nền kinh tế như tăng chi tiêu (ngân sách) nhà nước, hạ giá đồng NDT để thúc đẩy xuất khẩu và hạ lãi suất.

Trong tuần qua, cơ chế “ngừng giao dịch tự động” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc được khởi động vào đầu tuần và đến cuối tuần thì chính phủ nước này quyết định tạm ngưng thực hiện nó. Tuy nhiên, sự xáo động lớn trong tuần qua nên được nhìn nhận trong bối cảnh chung là tại Trung Quốc, chỉ có người giàu “chơi” chứng khoán và các giao dịch của họ hầu như không ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu.Ảnh: wtop

Công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới Blacrock vẫn tràn đầy lạc quan vào triển vọng thị trường năm 2016. Công ty có trụ sở tại Mỹ này cho rằng những diễn biến trên các thị trường toàn cầu có phần giống đợt xáo động thị trường hồi tháng 8/2015 hơn là sự khởi đầu cho giai đoạn thị trường lao dốc. Xét toàn cảnh, kinh tế Mỹ vẫn trên đà tăng trưởng tích cực, trong khi kinh tế châu Âu cải thiện.

Chính vì thế, sự giảm giá mạnh của các thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần qua xuất phát nhiều từ mặt tâm lý.

Tuy nhiên, chuyên gia Laura Eaton thuộc công ty tư vấn Fathom Consulting cho rằng Bắc Kinh đã ấn “nút hoảng loạn”. Bà đưa ra quan điểm rằng Trung Quốc hành động không đúng với lời nói và thực tế, kinh tế nước này đang “hạ cánh cứng”.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde tuần trước cũng đã lưu ý rằng kinh tế toàn cầu năm 2016 vẫn trong tình trạng dễ đổ vỡ và tồn tại sự khác biệt ngày càng lớn về chính sách của các nước phát triển, giữa một bên là các nước bắt đầu tăng hoặc đang “rục rịch” tăng lãi suất và một bên là các nền kinh tế vẫn đang áp dụng các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.

IMF cho rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ bổ sung các biện pháp kích thích tăng trưởng, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh lại theo hướng nâng lãi suất. Theo kinh nghiệm trong quá khứ, sự khác biệt này cũng có thể gây ra sự xáo động không nhỏ trên các thị trường tài chính.

Chuyên gia Eaton dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ phá giá đồng NDT mạnh tay hơn trong những tháng tới, nhằm tạo lợi thế cho xuất khẩu hàng hóa của mình. Động thái này sẽ càng gia tăng sức ép lên các nước đang phát triển và có thể sẽ biến lạm phát ở mức cực thấp thành nguy cơ giảm phát ngay tức thì tại các nước phương Tây.

Những nguy cơ này đều có thể xảy đến vào thời điểm các ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính các nước trên thế giới đều “lơ là” việc phòng ngừa chúng. Hơn nữa, gần bảy năm sau cuộc khủng hoảng năm 2008-09, lãi suất vẫn ở mức thấp và công cuộc khắc phục tình hình tài chính công vẫn chưa kết thúc.

Bên cạnh đó, theo bà Lagarde, sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc theo hướng giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu cũng sẽ khiến cho nhu cầu của nước này về nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu giảm, gây tác động không nhỏ tới các nước xuất khẩu dầu mỏ và kim loại cơ bản. Kinh tế Nga và Brazil đều bị ảnh hưởng, trong khi Saudi Arabia vừa công bố biện pháp khắc khổ và dự định bán cổ phần trong công ty dầu mỏ quốc doanh Aramco.

Khi các nước đang phát triển lâm vào khủng hoảng, cựu Chủ tịch Fed, Alan Greenspan ra tay tương trợ bằng cách hạ lãi suất. Ông Greenspan một lần nữa lại hỗ trợ bằng biện pháp hạ lãi suất sau khi “bong bóng công nghệ xì hơi".

Động thái này sau đó đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ cho vay nhà đất dưới chuẩn tại Mỹ. Trung Quốc khi đó đã xuất hiện và giúp kinh tế thế giới tránh rơi vào cuộc Đại suy thoái hồi năm 2008-09. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng phải trả giá không ít, khi dòng tín dụng rẻ châm ngòi cho thị trường bất động sản Trung Quốc tăng trưởng bùng nổ và sự phân bổ vốn không hợp lý.

Vậy phải chăng những gì xảy ra trong tuần đầu tiên của năm 2016 còn hơn một sự chao đảo hay xáo động thị trường tạm thời? Liệu sắp tới các nước có sẽ tiếp tục tung ra những biện pháp như nới lỏng định lượng hay hạ lãi suất xuống mức âm hay không? Giới phân tích và kinh tế cho rằng thật khó có thể có câu trả lời chính xác tại thời điểm này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục