Năm 2019: Chứng khoán Việt với những kỳ vọng mới

16:14' - 02/01/2019
BNEWS Năm 2019, giới chuyên gia, các nhà quản lý kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực.
Năm 2019, giới chuyên gia, các nhà quản lý kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm về điểm số do ảnh hưởng từ những bất ổn của kinh tế thế giới, song cũng đã tạo được nền tảng vững chắc về quy mô cũng như thanh khoản. Cùng với việc kinh tế vĩ mô trong nước đang tăng trưởng tích cực, năm 2019, giới chuyên gia, các nhà quản lý kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực.

*Điểm sáng về huy động vốn

Năm 2018, mặc dù chỉ số VN - Index ghi nhận mức giảm 9,3% trong xu thế chung của thị trường chứng khoán quốc tế nhưng quy mô và thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017, đạt 77,6% GDP năm 2017 và tương đương với 70,2% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với năm 2017.

Trên thị trường trái phiếu, giá trị niêm yết đạt 1.122 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2017, đạt 22,4% GDP năm 2017 và tương đương 20,3% GDP của năm 2018. Giao dịch trái phiếu về cơ bản vẫn giữ được mức sôi động với giá trị giao dịch đạt 8.834 tỷ đồng/phiên.

Thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù mới ra đời hơn một năm với một sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 nhưng đã khẳng định được vai trò với khối lượng bình quân đạt 78.800 hợp đồng/phiên, tăng gần 7 lần so với năm 2017. Cùng đó, vị thế mở (nhà đầu tư đang nắm giữ chứng khoán phái sinh còn hiệu lực, chưa được thanh lý hoặc tất toán) cuối năm đạt gần 21.653 hợp đồng, tăng 2,7 lần so với cuối năm 2017. Đặc biệt, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vẫn vào dòng đạt 2,8 tỷ USD, cơ bản bằng mức kỷ lục 2,9 tỷ USD của năm 2017. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt trên 32,8 tỷ USD.

Thị trường chứng khoán đã tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hữu hiệu cho phát triển kinh tế; trong đó, huy động trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đạt 192 nghìn tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu kho bạc đạt mức 12,55 năm (mức dài nhất từ trước tới nay) đáp ứng được nhu cầu đầu tư công và cơ cấu nợ công của Chính phủ. Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ước đạt 62,2 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7% so với 2017.

Với những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, thị trường chứng khoán không những là kênh huy động vốn hữu hiệu cho Chính phủ mà còn rất quan trọng với khu vực tư nhân để phục vụ nhu cầu đầu tư và phát triển kinh tế.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018, Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

*Động lực tăng trưởng mới

Kinh tế Việt Nam kết thúc năm 2018 với những kết quả ấn tượng. Tăng trường GDP cả năm đạt mức 7,08%, mức tăng cao nhất từ năm 2008, vượt kế hoạch Quốc hội đề ra. Lạm phát được kiềm chế thành công ở mức 3,54%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu. Thị trường tiền tệ, tài chính ổn định, thu ngân sách nhà nước vượt 7,8%; trong đó, ngân sách Trung ương vượt 4,3% và ngân sách các địa phương vượt 12,5%; bội chi nợ công ngân sách giữ được mức thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí chia sẻ, năm 2018 là năm chỉ số thị trường tăng trưởng âm. Tuy nhiên, đây là câu chuyện điều chỉnh rất “bình thường” sau 2 năm thị trường tăng trưởng liên tục.

Câu chuyện GDP tăng cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây cho thấy, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế. Rõ ràng về các chỉ số kinh tế vĩ mô đều thể hiện kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tích cực.

Ông Khánh cho rằng, việc thị trường giảm điểm trong năm 2018 là do ảnh hưởng từ việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bốn lần tăng lãi suất điều hành, biến động các chính sách tiền tệ, chiến tranh thương mại,…“Bối cảnh năm 2019, mặc dù tình hình thế giới vẫn còn những rủi ro đối với thị trường chứng khoán, tuy nhiên, chúng ta tin tưởng vào những nội lực của đất nước. Trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế, thị trường chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội để hồi phục và tăng trở lại”, ông Khánh nói.

Vị chuyên gia này nhận định, VN – Index sẽ hướng về mốc 1.100 – 1.200 điểm trong năm 2019.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cho biết, thị trường đã có những nền tảng ổn định của năm 2018. Đặc biệt năm 2019, Chính phủ và Quốc hội đang chuẩn bị thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi). Đây là cơ sở vững chắc nhất cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững bền hơn.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) Đỗ Ngọc Quỳnh, năm 2019, bối cảnh kinh tế quốc tế còn nhiều biến động khó lường. Mặc dù vậy, có những tín hiệu cho thấy việc số lần nâng lãi suất của Fed có chiều hướng giảm xuống và nền kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi. Đặc biệt, trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng tương đối thuận lợi với nền tảng đạt được của năm 2018.

Ông Quỳnh cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ là động lực để thị trường chứng khoán nói chung, thị trường cổ phiếu và trái phiếu nói riêng tiếp tục có những bước phát triển mạnh hơn trong năm 2019.

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí Lê Đức Khánh kỳ vọng, năm 2019, thị trường sẽ ít bị ảnh hưởng bởi câu chuyện lạm phát, tỷ giá. Với áp lực từ bối cảnh thế giới, theo ông Khánh cho biết, mặc dù vẫn còn những áp lực nhất định từ việc Fed nâng lãi suất, nhưng áp lực này có thể được giảm bớt bởi Fed sẽ thận trọng hơn.

Câu chuyện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho khối ngoại và là tâm điểm của thị trường chứng khoán năm 2019. Theo ông Khánh, các doanh nghiệp có xu hướng xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Từ đó, cổ phiếu của những doanh nghiệp da giày, thủy sản,… sẽ tiếp tục hưởng lợi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, năm 2019, tuy nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, song với đà tăng trưởng của năm 2018 và sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, Việt Nam có thể kỳ vọng vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng của thị trường chứng khoán.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, với trọng tâm là thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp trong huy động vốn. Đồng thời, nâng cao tính công khai minh bạch của thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán với trọng tâm nâng cao năng lực và lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức trung gian thị trường. Cùng với đó, thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng nhằm từng bước chuyên nghiệp hơn các thị trường trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai trên một số chỉ số mới và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội; triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh. Song song với đó, thúc đẩy triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục