Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4%

09:54' - 02/01/2020
BNEWS Sáng 2/1 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành “Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020”.
Hội nghị trực tuyến “Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020”. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN
Sáng 2/1 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành “Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020”. Sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống tham gia.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2020, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNH cho biết, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng và hài hòa với chính sách tài khóa cùng các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ; điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu của chính sách tiền tệ; đồng thời, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện và bối cảnh phù hợp.

Cùng với đó, ngành triển khai giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 /2017/QH14 và Quyết định 1058/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/7/2017 phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”...

Ông Lê Minh Hưng đã điểm lại một số kết quả nổi bật của ngành ngân hàng trong năm 2019 qua đó nhấn mạnh, NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Qua đó, lạm phát bình quân năm 2019 tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm qua và thấp hơn mục tiêu 4% Quốc hội đề ra; trong đó, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,01%. Điều này tạo dư địa thuận lợi để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đặc biệt trong điều kiện ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh.

Nhờ đó, niềm tin của thị trường vào khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô của Chính phủ và NHNN được củng cố. Việc điều hành chính sách tiền tệ không chỉ xử lý hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra trước mắt mà kiên định lộ trình theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong trung và dài hạn.

Song song đó, NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, diễn biến thị trường và triển khai các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường, nhờ đó, ổn định được mặt bằng lãi suất trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí hợp lý.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, từ ngày 16/9/2019, NHNN đã điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành. Từ ngày 19/11/2019, NHNN giảm 0,2%-0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở.

Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, điều hòa thanh khoản ổn định thị trường. Nhờ đó, duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn chi phí hợp lý cho tổ chức tín dụng.

Kết quả sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất huy động có kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2%-0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm. Các tổ chức tín dụng có thị phần lớn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp với nhiều đợt cắt giảm trong năm 2019.

Cũng nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp từ Chính phủ, ngành ngân hàng đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Đến cuối năm 2019, tăng trưởng tín dụng đạt trên 13% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Ước tính đến ngày 31/12/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%.

Theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/10/2019, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp hạng 25/190 nền kinh tế, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN, chỉ đứng sau Brunei.

Liên quan tới vấn đề triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho hay, ước tính tới tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 1,89%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ước tính đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, ước tính toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng do Quốc hội ban hành ngày 21/6/2017  (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản VAMC thông qua pháp hành trái phiếu đặc biệt).

Tính trung bình từ 15/8/2017 đến tháng 12/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được 10,5 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,9 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình trong giai đoạn từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Đây cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã và đang phát huy hiệu quả. Từ đó, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh nhiệm vụ xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục