Năm 2021, Đà Nẵng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu

13:19' - 29/12/2020
BNEWS Năm 2020, quy mô toàn nền kinh tế của thành phố Đà Nẵng ước đạt 100 nghìn tỷ đồng, thu hẹp hơn 10,1 tỷ đồng so với năm 2019.

Họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2020 do Cục thống kê thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 29/12,  ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục thống kê thành phố Đà Nẵng dự đoán, với cơ cấu kinh tế Đà Nẵng có khu vực dịch vụ chiếm khoảng 65% GRDP như hiện nay, tăng trưởng của toàn nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào khu vực dịch vụ.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp lại phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên Đà Nẵng có khả năng sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021.

Cục trưởng Cục thống kê thành phố Đà Nẵng đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới như: Triển khai có hiệu quả các chính sách xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu; tập trung khôi phục hoạt động du lịch; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh thu hút đầu tư đáp ứng mục tiêu cơ cấu lại ngành công nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng...

Năm 2020, quy mô toàn nền kinh tế của thành phố Đà Nẵng ước đạt 100 nghìn tỷ đồng, thu hẹp hơn 10,1 tỷ đồng so với năm 2019; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tính sụt giảm 9,77% so với năm 2019.

Theo ông Trần Văn Vũ, sau đợt dịch COVID-19 lần thứ nhất (tháng 3-4/2020), kinh tế Đà Nẵng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi thì làn sóng dịch bệnh lần thứ 2 với tâm điểm là thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng 7/2020 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động sản xuất kinh doanh dường như bị ngưng trệ trong gần hết quý III năm 2020 khiến cuộc sống của phần lớn cư dân, đặc biệt là người lao động tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và duy trì được nhịp độ tăng trưởng, ước đạt 2,4% so với cùng kỳ. Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng giảm sâu ở mức 12,23% làm thu hẹp hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Trong khi đó, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh đã làm suy giảm động lực phát triển chung của toàn nền kinh tế thành phố.

Giá trị tăng thêm của cả khu vực này bị thu hẹp hơn 5,3 tỷ đồng so với năm 2019. Nhiều ngành có mức giảm sâu như: dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 37,33%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 41,25%; bưu chính và chuyển phát giảm 18,32%; nghệ thuật và vui chơi giải trí giảm 7,42%.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục