Năm 2025, Thừa Thiên – Huế đặt mục tiêu thu hút đầu tư 12.000 tỷ đồng

10:37' - 19/12/2024
BNEWS Năm 2025, tỉnh Thừa Thiên – Huế xác định đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao.

Địa phương sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tăng thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

 

Tỉnh đưa ra chỉ tiêu của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như sản xuất ô tô các loại 8.000 chiếc (xe bus trên 16 chỗ: 4.000 chiếc, xe mini bus 10-16 chỗ: 2.600 chiếc, xe tải: 1.400 chiếc); xi măng 2.100 nghìn tấn; sợi các loại 135.000 tấn; men frit 330.000 tấn; tôm đông lạnh 7.000 tấn, điện sản xuất 1.900-2.000 triệu kWh…

Năm 2025, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ thúc đẩy tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động tạo năng lực mới, đột phá phát triển như: Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế (giai đoạn 2), Nhà máy Kanglongda Huế, Nhà máy chế biến cát và sản xuất đá nhân tạo Vinasilica, Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao creanza, Nhà máy sản xuất kính siêu trắng Đạt Phương, Nhà máy sản xuất men frit, Dự án nhà máy sản xuất thép số 1 Chân Mây.

Đồng thời, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp như: khu công nghiệp Gilimex, khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, khu công nghiệp La Sơn, cụm công nghiệp Bình Thành, Điền Lộc, Điền Lộc 2 và hoàn thiện hệ thống nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp…

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương cho biết: Đối với ngành công nghiệp, tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, bán dẫn, thiết bị điện tử - viễn thông, công nghiệp vật liệu mới.

Ưu tiên phát triển một số ngành như sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu; khuyến khích phát triển các sản phẩm đồ uống, công nghiệp luyện kim gắn với cảng biển; sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh như hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững.

Năm 2025, tỉnh Thừa Thiên – Huế đề ra mục tiêu thu hút 30 - 35 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng; trong đó, địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp thu hút 15-18 dự án với vốn đầu tư đăng ký khoảng 6.000 - 8.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập đạt khoảng 800 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 9.500 tỷ đồng…

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch thông tin, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cắt giảm các chi phí không chính thức, chi phí gia nhập thị trường; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đảm bảo tính sẵn sàng trong kêu gọi đầu tư; chuẩn bị nguồn cung lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu lao động cho các nhà đầu tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục